Du khách đi bộ tham quan TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vừa qua, UBND quận 1, TP HCM tổ chức cuộc họp để lắng nghe đề xuất phương án đầu tư phố đi bộ Lê Lợi kết hợp quản lý, vận hành và khai thác chợ đêm du lịch Bến Thành. Ý tưởng này nhận được ủng hộ của nhiều sở, ngành liên quan.
Khu tam giác quan trọng
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đường Lê Lợi có thể tổ chức giao thông tương tự phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay vào mỗi cuối tuần. Sở Du lịch TP HCM cũng cho rằng phố đi bộ Lê Lợi sẽ là sản phẩm tạo ra sức hút cho khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến TP HCM. Sở này lưu ý cần thiết kế và tổ chức không gian để thực sự hấp dẫn, tránh các hoạt động như nhiều chợ đêm hiện hữu khác.
Các đơn vị liên quan cũng đóng góp nhiều ý kiến về phân khu chức năng, cảnh quan, ẩm thực, ánh sáng, cổng chào, thời gian hoạt động, nhà vệ sinh, việc bảo đảm an ninh trật tự…
Theo ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, UBND quận 1 thống nhất ý tưởng xây dựng phố đi bộ Lê Lợi nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến quận 1 nói riêng và thành phố nói chung. Quận 1 kiến nghị UBND TP HCM sớm thông qua quy hoạch không gian đô thị tại khu vực đường Lê Lợi để thu hút các nhà đầu tư dịch vụ thương mại, tạo sự đồng bộ giữa kinh doanh và an ninh trật tự xã hội.
Đường Lê Lợi
Theo tìm hiểu, năm 2022, Sở GTVT đã trình UBND TP HCM đề án phố đi bộ khu trung tâm với 22 tuyến phố được chia 3 giai đoạn. Đề án vẫn đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị chuyên môn trước khi trình UBND TP HCM phê duyệt. Còn trước mắt, thành phố đang tập trung tổ chức giao thông, nghiên cứu mở phố đi bộ trên đường Lê Lợi kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ ra quảng trường trước chợ Bến Thành, tạo thành khu tam giác quan trọng ở trung tâm.
Diện mạo mới của khu trung tâm
Với riêng khu vực chợ Bến Thành, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho hay khu vực trước chợ hiện được Sở GTVT TP HCM tổ chức lại giao thông sau khi dự án Metro số 1 bàn giao mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP HCM đã giao UBND quận 1 lập đề án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục. Dự kiến giai đoạn 1 bước đầu hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành với mảng xanh tại đảo giao thông, vị trí đặt tượng, bố cục mặt bằng khu vực quảng trường. Giai đoạn 2 là giai đoạn hoàn thiện theo định hướng kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ Bến Thành và các dự án khác trong khu vực (Công viên 23 Tháng 9, đường Lê Lợi...).
"Chủ tịch UBND thành phố kết luận thành phố sẽ bố trí ngân sách và giao cho UBND quận 1 làm chủ đầu tư. Quận 1 đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để xin đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình HĐND thành phố thông qua để ghi vốn thực hiện dự án, hoàn thành trước 30-4-2025. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí khoảng 100 tỉ đồng" - ông Vinh nói.
Theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, phương án này là phù hợp và khả thi, từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt nhưng vẫn giữ được không gian văn hóa đặc trưng của thành phố.
Đường Lê Lợi và khu vực bến Bạch Đằng là 2 tuyến phố mang lại nhiều giá trị cho TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH
Cũng tại trung tâm thành phố, phương án chỉnh trang, sắp xếp lại bến Bạch Đằng đang được tính toán. Các sở, ngành đang đóng góp ý kiến, sau khi UBND thành phố thống nhất, Sở GTVT sẽ hoàn tất phương án và trình lãnh đạo thành phố phê duyệt.
Trước đó, UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu phương án di dời 3 cầu tàu (số 1, 2, 3) về vị trí hiện hữu của cầu tàu cảng B - cầu tàu Ba Son (đối diện số 4B Tôn Đức Thắng). Việc sắp xếp cầu tàu nhằm bảo đảm mỹ quan, đô thị, phục vụ vận tải hành khách, phát triển du lịch thủy tại bến Bạch Đằng.
3 nội dung chính
Dự kiến, lãnh đạo UBND TP HCM sẽ họp nghe báo cáo về quy hoạch, thực hiện quy hoạch xây dựng, cải tạo hạ tầng và quản lý, tổ chức giao thông - đi bộ khu trung tâm.
Cuộc họp tập trung vào 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất, phương án chỉnh trang cây xanh Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; thứ hai, phương án về quy hoạch, kiến trúc, sắp xếp lại khu vực bến Bạch Đằng; thứ ba, quy hoạch, xây dựng và quản lý, tổ chức giao thông - đi bộ khu trung tâm gồm các trục đường chính là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, khu vực chợ Bến Thành và các đề án của quận 1, quận 3...
Cần có Ban Quản lý phố đi bộ
TS Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề án "siêu phố đi bộ" của nhóm nghiên cứu Công ty TNHH Tư vấn GTVT và Đô thị, cho biết mô hình phố đi bộ ở nhiều nước đã mang lại hiệu quả kinh tế - văn hóa và giao thông. Tại TP HCM, siêu phố đi bộ được đề xuất nhằm tạo thêm nét đặc trưng cho đô thị đặc biệt. Siêu phố cũng giúp phục vụ khách du lịch, thu hút du khách đến tham quan, mua sắm và tạo thói quen đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
"Siêu phố đi bộ nếu được duyệt sẽ thực hiện theo từng giai đoạn, khi hoàn tất sẽ kết nối vào 2 phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện hình thành mạng lưới đi bộ sầm uất... Đơn vị nghiên cứu đề án vẫn nghe thêm ý kiến của các đơn vị liên quan để bổ sung hoàn chỉnh, trong đó sẽ nghiên cứu đề xuất của quận 1 về thành lập một Ban Quản lý phố đi bộ trong như cơ chế hoạt động cũng như nhân sự quản lý phố đi bộ" - TS Vũ Anh Tuấn cho hay.
Bình luận (0)