xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đầu tư nhiều hơn nữa cho các bệnh viện

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH - HẢI YẾN

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định ưu tiên tối đa trang thiết bị, vật tư y tế, đội ngũ nhân lực tinh túy nhất để đưa về Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có công suất 1.000 giường ở TP HCM

Những ngày qua, chủ trì các cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP HCM không để tình trạng "các bệnh viện (BV) vừa lo chống dịch vừa lo mua vật tư, trang thiết bị"...

Phải chủ động công tác hậu cần

Ngày 19-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế căn cứ kịch bản phòng chống dịch Covid-19, phối hợp các cơ quan và địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu về trang thiết bị và vật phẩm y tế, đề xuất phương án đấu thầu tập trung và báo cáo Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn việc kịp thời mua sắm đủ thiết bị bảo hộ cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, trong đó có tỉ lệ dự phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch cao hơn.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết các địa phương đang gặp khó khăn trong cơ chế mua sắm, thủ tục quy trình qua nhiều bước, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp còn hạn chế... Thiết bị xét nghiệm tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay. Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà còn tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

Đầu tư nhiều hơn nữa cho các bệnh viện - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. (Ảnh do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp)

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở ôxy cao áp, bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc máu chậm...

Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Không để đội ngũ y - bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.

"Chúng ta không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định và cho hay Bộ Y tế đã xin ý kiến Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19. Với phương châm "4 tại chỗ", Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề nghị các địa phương phải chủ động công tác hậu cần đối với trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm, điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng.

Để bảo đảm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính... đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân Covid-19.

Cho mở kho dự trữ

Tại TP HCM, tình trạng khó khăn về trang thiết bị y tế cũng đang xảy ra ở hầu hết các BV tiếp nhận, thu dung, điều trị Covid-19.

Tại BV Hồi sức Covid-19 (trưng dụng một phần ở cơ sở 2 của BV Ung Bướu tại TP Thủ Đức), dù chỉ mới hoạt động 6 ngày nhưng BV đã tiếp nhận gần 300 bệnh nhân nặng, nguy kịch, trong đó 80 bệnh nhân đang thở máy, các trường hợp còn lại thở ôxy qua mask và một trường hợp phải can thiệp ECMO.

Trước đó, hôm 17-7, lãnh đạo BV Hồi sức Covid-19 đã có tờ trình đề nghị UBND TP HCM điều phối bổ sung hơn 2.000 trang thiết bị cần thiết để cứu bệnh nhân nặng, nguy kịch. Cụ thể, BV cần 10 máy X-quang di động, 5 máy siêu âm tại giường, 5 máy siêu âm tim, 10 máy khí máu động mạch, 30 máy lọc máu CRT, 50 máy thở chức năng cao không dùng khí nén; 200 máy thở ôxy (HFNC)...

Ngày 20-7, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 (TP HCM), cho biết hiện nay trang thiết bị rất thiếu. Song, có 3 yếu tố thuận lợi: Thứ nhất, Thường vụ Thành ủy đã họp và thông qua cơ chế mua sắm sao cho tiết kiệm, nhanh nhất có thể, đặc biệt là công khai, minh bạch. Thứ hai, Bộ Y tế cho mở kho dự trữ phòng chống dịch tại TP HCM và vận chuyển toàn bộ trang thiết bị về BV là một giải pháp rất tích cực, kịp thời. "Bên cạnh đó, Bộ Y tế đưa trang thiết bị y tế vào kho dã chiến đóng tại phía Nam, giao tôi toàn quyền điều động" - bác sĩ Thức thông tin. Thứ ba, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đang toàn tâm, toàn lực tài trợ nhiều vật tư y tế, thuốc, suất ăn, làm sao để mua trang thiết bị nhanh nhất. Khó khăn còn nhiều nhưng tất cả đều đồng lòng, đoàn kết.

Tại BV Điều trị Covid-19 Củ Chi, BS Trần Chánh Xuân, giám đốc BV, cho hay có hơn 700 bệnh nhân nhưng hiện BV này chỉ có 15 máy thở cả xâm lấn và không xâm lấn, trong đó số bệnh nặng là hơn 50 trường hợp. BV cũng chỉ có 20 máy monitor (thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân), trong khi đó số giường cần máy này lên đến 100 máy.

Các trường hợp đang thở máy là những ca bệnh nặng, hiện BV Điều trị Covid-19 Củ Chi đang cố gắng điều tiết để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu ca bệnh tiếp tục tăng thì nhu cầu trang thiết bị là rất cần thiết để đáp ứng tối đa các giải pháp cứu chữa bệnh nhân.

Theo TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV dã chiến số 6, nơi đang điều trị gần 3.600 bệnh nhân, ngoài việc bảo đảm nhân sự thì trang thiết bị y tế là giải pháp cần xúc tiến. Hệ thống tiếp nhận theo các tầng điều trị cần phải được xây dựng vững chắc nền móng ngay ở tuyến đầu để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Thiếu máy thở

BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 (tại phường An Khánh, TP Thủ Đức) cũng là một trong những BV tiếp nhận bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, trang thiết bị về y tế cơ bản chưa đầy đủ.

Tham gia điều trị ở BV này, PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết tại đây hiện chỉ có một phòng cấp cứu cho các bệnh nhân nặng nhưng phòng vẫn còn thiếu các phương tiện, thiết bị cơ bản, đặc biệt là máy thở.

Theo bác sĩ Quế, vài ngày trước, các bác sĩ đã phải bóp bóng bằng tay hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân. Hiện tại, BV mới được hỗ trợ một máy thở để tạm hỗ trợ cho bệnh nhân trong tình huống chưa chuyển viện được. Do đó, nếu nhiều bệnh nhân cần thở máy thì các bác sĩ phải tốn sức nhiều để cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, thông tin hiện BV này cũng thiếu nhiều trang thiết bị. Hiện tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng đột ngột, suy hô hấp cấp tại BV này dao động khoảng từ 2%-5%. Do đó, rất cần tăng cường trang thiết bị y tế để phục vụ hoạt động cứu chữa bệnh nhân kịp thời, giúp giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng.

Tăng công suất sản xuất, dự trữ ôxy

Bộ Y tế cho biết hiện có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở ôxy. Năng lực sản xuất của các nhà máy ôxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt tương đương 1.300 tấn/ngày và có thể tăng thêm từ 50%-100% công suất. Bộ Y tế vừa họp với 17 nhà máy sản xuất ôxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ ôxy, tăng khả năng phân phối.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thiếu hụt rất lớn

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc đề nghị được hỗ trợ vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh này.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh việc triển khai xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ là việc hết sức cấp thiết. Để bảo đảm năng lực xét nghiệm, UBND tỉnh đã bổ sung kinh phí để thực hiện mua sắm ngay các vật tư y tế cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc mua sắm do nhu cầu sử dụng các vật tư y tế tăng và khan hiếm trên thị trường. Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thiếu hụt rất lớn nhiều loại vật tư y tế phòng chống dịch.

Vì vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh các vật tư y tế phục vụ công tác phòng dịch của tỉnh, cụ thể: 600.000 test kháng nguyên SARS-CoV-2, 100.000 mẫu sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR, 500.000 bộ trang phục phòng chống dịch cấp 2 và 500.000 bộ cấp 3-4.

Cũng theo thống kê của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến ngày 17-7, tỉnh này còn khoảng hơn 154.000 khẩu trang y tế và hơn 7.500 khẩu trang N95, hơn 13.000 bộ trang phục phòng chống dịch cấp 1-2 và hơn 4.700 bộ cấp 3-4; tỉnh cũng còn khoảng 12.000 sinh phẩm chạy RT-PCR và hơn 113.000 test kháng nguyên.

B.Ngọc

Kỳ tới: Thiếu trang thiết bị, vật phẩm do cơ chế?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo