Số giấy chủ quyền bị thu hồi thuộc dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes, dự án khu nhà ở Xa La, dự án tòa nhà trung tâm thương mại CT5 A - B cùng của một chủ đầu tư mắc nhiều vi phạm trong xây dựng. Trong 3.663 giấy chủ quyền được cấp, đã có 384 trường hợp bị Sở TN-MT TP Hà Nội thu hồi.
Lý do: Những trường hợp nhà ở đó là phần xây dựng sai phép do chủ đầu tư cố tình thực hiện để tối đa hóa lợi nhuận.
Như vậy, người dân - cụ thể là người mua căn hộ - không có lỗi gì trong trường hợp này. Lúc mua nhà, họ không có điều kiện tiếp cận đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án. Khi chủ đầu tư cố tình thay đổi công năng, cơi nới, tận dụng khu thương mại để "chẻ" thành khu căn hộ và đem bán, họ không thể hay biết. Theo dõi và kiểm soát những chuyện ấy là thanh tra xây dựng. Nếu phát hiện chủ đầu tư xây sai phép, thanh tra phải buộc dừng thi công, xử phạt, yêu cầu làm đúng giấy phép; trong trường hợp vẫn chây ì thì tiến hành cưỡng chế... Và theo luật định, những trường hợp nhà ở/căn hộ thuộc phần xây sai phép thì hiển nhiên không được cấp giấy chủ quyền.
Đằng này, các cơ quan chức năng TP Hà Nội vẫn cấp giấy chứng nhận chủ quyền, đồng nghĩa rằng hợp thức hóa cho cái sai. Đến khi hữu sự thì lại chọn cái việc dễ nhất là thu hồi số giấy chủ quyền đã cấp sai đó. Làm như vậy là đẩy khó cho dân, không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà, có dấu hiệu bao che cho sai phạm.
Trong vụ việc này, trách nhiệm của chủ đầu tư đã rõ; còn trách nhiệm của các cơ quan hữu trách thuộc lĩnh vực xây dựng, đất đai tại địa phương cũng không thể bỏ qua. Chưa mổ xẻ và xử lý trách nhiệm của những cơ quan đó thì chưa có cơ sở thuyết phục, thỏa đáng để thu hồi giấy chủ quyền đã cấp cho những người mua nhà.
Đẩy khó cho dân là tình trạng khá phổ biến ở nhiều cơ quan công quyền. Động tác “đẩy” này thể hiện rõ ra ở cả tư duy (xây dựng chính sách) lẫn việc làm. Chẳng hạn có sở xây dựng một địa phương nọ đề xuất bỏ phí bảo trì chung cư vì thấy khoản này quá rắc rối, phát sinh nhiều tranh chấp, luật “buộc” không chặt... mà không nghĩ rằng ở những chung cư cũ, tường dột cột xiêu, thang máy hỏng, ống nước bể, cống nghẹt… là chuyện thường ngày, không có quỹ bảo trì thì lấy tiền đâu xử lý, khốn khổ biết nhường nào! Hoặc như mất bằng lái xe thì phải thi lại mới được tái cấp, hay đề xuất cấm xe máy vào một số tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông... cũng là những bằng chứng của não trạng của một bộ phận công chức - quan chức chọn cái dễ mà làm, đẩy cái khó về phía người dân.
Bộ máy hành chính kiến tạo, hành động không thể dung dưỡng một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý an phận, sợ trách nhiệm và thường xuyên đẩy khó cho dân như thế!
Bình luận (0)