Nơi chúng tôi nói đến là xã biên giới A Vao của huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Qua câu chuyện của những nhân chứng sống, hủ tục "đẻ chòi" như nốt trầm buồn vang lên giữa trùng điệp núi rừng Trường Sơn.
Ám ảnh "vùng lõm"
Theo quan niệm của đồng bào Pa Cô ở xã A Vao, phụ nữ sinh con trong nhà là điều rất cấm kỵ. Họ cho rằng việc này sẽ dẫn ma tà, xui xẻo đến "ám" những người thân trong gia đình. Vì vậy, trước khi vợ hoặc con lâm bồn, người thân sẽ dựng một căn chòi ở góc vườn hay bìa rừng để họ vượt cạn một mình.
Chỉ mới gần 40 tuổi nhưng năm nay, bà Hồ Thị Tiệp - trú thôn A Vao, xã A Vao - đã 6 mặt con, trong đó có đến 4 đứa bà tự vượt cạn, sinh hạ ở chòi. "Cứ thấy bụng tui to là người thân lại dựng một cái chòi ở góc vườn để tự sinh nở. Căn chòi này lợp bằng tranh nứa hoặc bạt ni-lông, rộng chỉ đủ kê cái sạp nhỏ. Không ai được vào đây và tui cũng không được ra ngoài trong quá trình chờ sinh" - bà kể.
Bà Hồ Thị Tiệp, người sinh 4 con liên tiếp ở chòi
Bà Tiệp cho biết "đẻ chòi" là tục lệ có từ lâu đời của đồng bào Pa Kô. Người nào may mắn thì lúc sinh con có bố mẹ, nội ngoại ở cạnh bên giúp đỡ, còn không thì phải tự xoay xở một mình.
"Trong thời gian phụ nữ nằm ở chòi chờ sinh, người nhà sẽ thay phiên nhau tiếp tế cơm, nước. Đến lúc họ sinh, nếu không có người thân giúp đỡ thì phải tự cắt rốn và vệ sinh cho con. Sinh xong thì phải nằm ở chòi từ một tuần đến nửa tháng mới được đưa con vào nhà. Phụ nữ vùng cao thiệt thòi nhiều thứ lắm…" - bà Tiệp thở dài.
Nhắc đến hủ tục "đẻ chòi", bác sĩ Trịnh Đức Thiện, Trưởng Trạm Y tế xã A Vao - người đã vào địa phương này công tác từ cuối những năm 1990 đến nay, vẫn còn ám ảnh. "Nhiều phụ nữ vì một thân, một mình vượt cạn ở chòi nên bị nhiễm trùng, băng huyết. Đến khi người nhà chuyển họ đến trạm y tế thì không cứu được nữa" - ông rầu rĩ.
Theo bác sĩ Thiện, A Vao trước đây là "vùng lõm" y tế, giáo dục bởi địa bàn cách trở, dân cư không tập trung. Vì thế, những hủ tục như "đẻ chòi" vẫn tồn tại khiến nhiều phụ nữ, trẻ em chết oan uổng. Chỉ một số ít trường hợp nhờ người thân sản phụ phát hiện sớm, đưa đến trạm xá nên cứu chữa khỏi.
"Đơn cử đầu năm 2000, gia đình ông Côn Xong ở thôn Kỳ Nơi, xã A Vao có con gái đẻ ở chòi, ngôi thai nằm ngang. Khi thấy con gái kêu la không sinh được, gia đình ông một mặt cử người đến trạm y tế báo tin, một mặt dùng võng cáng sản phụ ra trung tâm xã kêu cứu. Nghe tin, chúng tôi mang theo dụng cụ y tế, tức tốc lên đường, đi khoảng 10 km đường rừng thì gặp gia đình họ. Lúc này, đầu 5 ngón tay đứa trẻ đã thập thò ra. Ngay giữa rừng, chúng tôi đỡ đẻ bằng biện pháp nội xoay thai. Khoảng hơn 1 giờ sau, chúng tôi mới cứu được cả mẹ lẫn con" - bác sĩ Thiện nhớ lại.
Theo bác sĩ Thiện, đó là một trong số ít trường hợp được cứu sống vì người nhà phát hiện sớm. "Do căn chòi cho sản phụ sinh nở thường nằm cách biệt nên lúc gặp sự cố thì không ai hay, như trường hợp chị Căn Dong - ở thôn Tân Đi 1, xã A Vao - bị nhiễm trùng và tử vong ngay sau đó" - ông Thiện thở dài.
Mưa dầm thấm đất
Hiểu được sự nguy hiểm của tục "đẻ chòi" nên những năm qua, các ban, ngành tỉnh Quảng Trị đã dày công vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân A Vao. Trong đó, phải kể đến công sức của những cán bộ y tế, dân số đã "cùng ăn cùng ở với người dân" và chính quyền địa phương.
Bà Đoàn Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Vao, cho biết việc "đuổi" hủ tục "đẻ chòi" không phải làm ngày một ngày hai mà cần làm "trường kỳ" theo kiểu mưa dầm thấm đất. "Rào cản lớn nhất là nhiều người dân quan niệm phong tục ngày xưa thế nào, bây giờ bắt buộc con cháu phải làm theo. Gặp những trường hợp như thế, chúng tôi phải tuyên truyền từ ngày này sang tháng khác, cho đến khi nhận thức của họ thay đổi mới thôi. Bây giờ, hủ tục "đẻ chòi" đã lùi vào quá khứ, chị em đến kỳ sinh nở được gia đình chăm sóc cẩn trọng, chu đáo hơn" - bà Duyên vui mừng.
Một góc xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị
Bác sĩ Trịnh Đức Thiện khoe hiện nay, không những đến sinh ở trạm y tế, phụ nữ xã A Vao còn đi khám thai định kỳ. "Chúng tôi tuyên truyền, vận động mãi về sự nguy hiểm của việc "đẻ chòi" nên người dân dần hiểu. Đến nay, không còn ai tự vượt cạn ở chòi như trước đây. Sự đổi thay nhận thức, bước qua hủ tục của người dân xã A Vao khiến những người làm công tác chăm sóc sức khỏe như chúng tôi rất đỗi tự hào" - ông bày tỏ.
Xóa bỏ tục lệ lạc hậu
Theo ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao, toàn xã có hơn 500 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu, đa số là người Pa Kô. Đến nay, quan niệm của người dân A Vao đã đổi thay, không còn làm theo những tục lệ lạc hậu nữa.
"Ngày trước, vì tục lệ "đẻ chòi" nên nhiều khi sản phụ, trẻ em tử vong vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Tuy nay cuộc sống người dân A Vao còn gặp nhiều khó khăn nhưng tục lệ lạc hậu này đã được xóa bỏ. Giờ không những sinh con mà những khi đau ốm, bà con đều tìm đến trạm y tế để các y, bác sĩ chăm sóc sức khỏe" - ông Nghiệp phấn khởi.
Kỳ tới: Chân dung bản mẫu
Bình luận (0)