Nhân dịp năm mới, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đã trao đổi về hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong đó có hợp tác quốc phòng cũng như quan điểm về vấn đề Biển Đông.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish - Ảnh: Thành Đạt
Phóng viên: Hợp tác quốc phòng - an ninh được đánh giá là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Trong năm qua, đâu là dấu ấn trong năm qua và thời gian tới hai nước dự kiến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này như thế nào, nhất là trong nỗ lực tiến tới hợp tác sản xuất thiết bị quân sự, thưa Ngài Đại sứ?
Đại sứ Parvathaneni Harish: Đây là năm thứ 12 của quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam, và cũng đã 2 năm kể từ khi quan hệ hai nước được nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện khi Thủ tướng Nerendra Modi sang thăm Việt Nam vào tháng 9-2016. Như các bạn đã biết, hợp tác quốc phòng an ninh là trụ cột trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của chúng ta. Hai nước hợp tác trong rất nhiều mảng của lĩnh vực này, cả các mảng truyền thống lẫn phi truyền thống. Mỗi đơn vị trong quân đội hai nước có quan hệ rất tốt đẹp. Chúng ta có hội đàm hải quân, lục quân và không quân giữa hai nước. Hai bên cũng có sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng.
Trong lĩnh vực an ninh, Ấn Độ cung cấp khóa huấn luyện cho nhân viên an ninh Việt Nam tại các viện đào tạo của Ấn Độ. Hai bên cũng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh mạng, ngoài ra còn có hợp tác chống khủng bố. Về sản xuất thiết bị quân sự, đây được coi là lĩnh vực quan trọng. Chúng tôi hy vọng có thể triển khai nhanh hơn dự án đóng tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam, do công ty đóng tàu Larsen & Touburo đảm nhận theo gói tín dụng 100 triệu USD mà Chính phủ Ấn Độ cấp cho Việt Nam. Chúng tôi hy vọng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất chung các thiết bị quân sự.
Tháng 11-2017, tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên nhắc tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Sau đó, Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng của Mỹ đã chính thức coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một không gian địa chiến lược mới và điểm tựa mới cho chiến lược của Mỹ đối với châu Á. Xin cho biết quan điểm của Ấn Độ với chiến lược này?
Thủ tướng Nerendra Modi trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La tại Singapore tháng 6-2018 đã giải thích quan điểm của Ấn Độ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là một chiến lược, hay một câu lạc bộ giới hạn các thành viên. Chúng tôi coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa lý, và các nước ASEAN nằm ở trung tâm khu vực này, nối hai đại dương với nhau. Các nước ASEAN không chỉ nằm ở trung tâm trên khía cạnh địa lý, mà còn trên khía cạnh văn hóa văn minh. Cho nên với Ấn Độ, tính trung tâm và thống nhất của ASEAN nằm tại trái tim của Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chúng tôi tin rằng Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khái niệm mang tính bao trùm, không ám chỉ một quốc gia cụ thể nào. Khái niệm này không loại trừ bất kỳ quốc gia nào, mà mang các quốc gia xích lại gần nhau phục vụ cho mưu cầu hòa bình và thịnh vượng. Khu vực này cho phép tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu có quyền tiếp cận biển một cách bình đẳng, miễn là họ có chung vùng biển. Điều này đòi hỏi tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế, đương nhiên bao gồm cả Công ước Liên Hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS), giao thương không bị cản trở, và tự do hàng hải và hàng không.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish và ấn phẩm lịch 2019 của Báo Người Lao Động - Ảnh: Thành Đạt
Chúng tôi tin rằng kết nối là quan trọng. Và chúng ta cần hoạt động vì kết nối trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Về phía Ấn Độ, chúng tôi đều có quan hệ với các bên để khu vực này mang tính bao trùm, đa phương, thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế.
Xin Đại sứ cho biết quan điểm của Ấn Độ về tình hình Biển Đông hiện nay?
Ấn Độ hoàn toàn đồng ý với Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Các tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chúng tôi hy vọng các bên tuân thủ Tuyên bố ứng xử DOC và mong chờ Bộ Quy tắc ứng xử COC mang tính ràng buộc được hoàn thành sớm nhất có thể.
Trong hợp tác quốc phòng, cảnh sát biển Việt Nam và công ty Larsen & Touburo của Ấn Độ đã đạt được sự đồng thuận, ký hợp đồng đóng tàu tuần tra ngoài khơi cho cảnh sát biển Việt Nam. Chúng tôi mong dự án được thực hiện sớm. Nửa số tàu đó sẽ được đóng ở Ấn Độ và nửa còn lại ở Việt Nam. Nên sẽ có chuyển giao công nghệ, hợp tác chặt chẽ hơn, và vì vậy đóng tàu sẽ là lĩnh vực hợp tác giữa hai bên.
Hà Nội được tô điểm lộng lẫy như một cô dâu
Đại sứ cho biết năm nay là cái Tết Nguyên đán thứ ba của ông tại Việt Nam. Tết tại Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời bởi vì mọi người bắt đầu chuẩn bị cho Tết từ 1 tháng trước đó và còn tiếp tục 15 ngày sau Tết. Như vậy trong 45 ngày, các thành phố và đặc biệt là Hà Nội, được tô điểm lộng lẫy như một cô dâu vậy. Thành phố được trang hoàng đẹp đẽ, mọi người hòa trong không khí đón Tết, tặng quà cáp và gửi nhau những lời chúc tốt đẹp.
"Cách ăn Tết ở đây rất giống cách chúng tôi tổ chức lễ hội tại Ấn Độ. Ví dụ như khi chúng tôi tổ chức sự kiện mừng năm mới, hoặc lễ hội Diwali - lễ hội ánh sáng, hoặc Holi - lễ hội sắc màu, chúng tôi cố gắng tổ chức những lễ hội này tại trung tâm Swami Vivekananda, là trung tâm văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội, và chúng tôi mời bạn bè người Việt Nam đến dự và hòa mình vào văn hóa Ấn Độ và lễ hội Ấn Độ để trải nghiệm văn hóa của chúng tôi. Tôi nghĩ không gì có thể biểu đạt văn hóa Việt Nam rõ hơn khoảng thời gian đón Tết. Tại Ấn Độ, trong tiếng Hindi, chúng tôi thường nói "Nav versha ki shubhkamnaye" vào dịp năm mới với ý nghĩa "Chúc mừng năm mới""- Đại sứ chia sẻ.
Bình luận (0)