Chiều 16-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) - đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 40 tỉnh, thành phố đang có các dự án giao thông quan trọng, dự án giao thông trọng điểm.
Phải đặt trách nhiệm cao nhất
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện tổng số các công trình, dự án thuộc Ban Chỉ đạo là 70; dự án thành phần tại 40 tỉnh, thành phố là 63 dự án đường bộ, 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không.
Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các dự án chậm so với yêu cầu do một số nguyên nhân, như khối lượng công việc cần triển khai rất lớn. Đáng chú ý, thời gian qua, nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm hạn chế, ảnh hưởng tiến độ thi công, nhất là với 4 dự án cao tốc Bắc - Nam.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành cùng tỉnh Đồng Nai, TP HCM bấm nút khởi công dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Vành đai 3 TP HCM, ngày 24-9-2022 Ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU
Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường song các địa phương còn lúng túng. Đại diện một số tỉnh, thành phố "kêu khó" trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ. Với các dự án sử dụng vốn nước ngoài như đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, thủ tục triển khai phải tuân thủ đồng thời các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng phức tạp và kéo dài.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Văn phòng Chính phủ theo dõi, nếu họp bàn rồi mà vẫn trì trệ, bất kể ai trong Ban Chỉ đạo vắng họp 3 lần liên tiếp (trừ những lý do bất khả kháng) thì loại khỏi Ban Chỉ đạo. "Đây là kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong họp Ban Chỉ đạo là hết sức quan trọng, cần siết chặt lại" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ trong lúc khó khăn này, việc đẩy mạnh đầu tư công, góp phần đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để tạo việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Bởi lẽ, đầu tư công để tạo việc làm, tạo sản xuất - kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân; góp phần vào tăng trưởng.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát lại các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Dự án nào đã lo đủ vốn phải làm cho nhanh, phải đầu tư công sức, trách nhiệm với dự án. Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, các tỉnh, thành phải nghiên cứu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là việc khó nhưng không có nghĩa khó là không làm được. Về đấu thầu, đấu giá, phải hết sức trách nhiệm, đúng quy định, đúng tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực; không để xảy ra "thông thầu" dẫn đến phải xử lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, duy trì giao ban hằng tháng.
Về nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành xử lý các vấn đề phát sinh. Nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo, quá ngày theo quy định mà không có trả lời thì tiếp tục báo cáo vượt cấp.
Chỉ đạo xử lý ngay
Về dự án Đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 4 dự án thành phần chưa hoàn thành, Thủ tướng nhắc các bộ, ngành, địa phương phấn đấu khởi công trước ngày 31-12-2022.
Bộ GTVT phải bằng mọi cách hoàn thành, không lùi tiến độ các dự án này. Các ban quản lý không hoàn thành thì phải thay người. Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT phân ra thành 21 gói thầu, mỗi gói 29 km, như vậy số gói thầu vẫn nhiều, nguy cơ tiêu cực. Phải chấn chỉnh lại việc này căn cứ thực tế. Kinh nghiệm cho thấy cần có tổng thầu để rõ trách nhiệm.
Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kiểm toán đối với các dự án này; xem xét việc thực hiện chỉ định thầu hay đấu thầu quốc tế. Trong đó, với gói thầu xây dựng nhà ga chính Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trị giá tới 40.000 tỉ đồng, cần kiểm tra lại nhà thầu trong nước có bảo đảm năng lực hay không; tổ chức thực hiện đúng quy định ngay từ đầu, bảo đảm công khai, minh bạch.
Về dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 11-2022, Bộ Quốc phòng và TP HCM phải hoàn thành bàn giao mặt bằng. Nếu không thực hiện đúng tiến độ thì lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
Về dự án cao tốc Hòa Bình - Sơn La, Tuyên Quang - Hà Giang…, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xác định những vấn đề còn vướng mắc báo cáo để chỉ đạo xử lý ngay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát về vốn; cấp ngay vốn cho các đơn vị; Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính nghiên cứu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng để có điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp; Bộ Tài chính rà soát các dự án sử dụng vốn ODA...
Không lòng vòng
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng, trưởng ngành phải ngồi lại với nhau, tìm ngay giải pháp, xử lý ngay vấn đề. Các vấn đề cần phải điều chỉnh thì phải làm nhanh, đúng quy trình, thủ tục; các bộ, ngành không lòng vòng, giảm bớt giấy tờ. Đặc biệt, không khởi công các công trình mới trừ trường hợp đặc biệt liên quan an ninh quốc gia, chống biến đổi khí hậu; phải rà soát từ Trung ương đến địa phương, không nể nang, phải làm việc nào dứt điểm việc đó.
Bình luận (0)