Sáng 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 của QH về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Sân bay Long Thành: Giao 100% mặt bằng giai đoạn 1
Đại biểu (ĐB) Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho biết khoản 1, khoản 3, điều 1 Nghị quyết 53 đã quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Đến nay, dự án này đã trễ hạn gần 2 năm.
Tuy nhiên, qua giám sát, ĐB Bùi Xuân Thống thấy rằng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai các nội dung lớn của dự án. Đến nay, tiến độ dự án đạt gần 98,7%. Vì vậy, ông Thống cho rằng việc thu hồi phần diện tích còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự án; việc xin kéo dài thời gian chủ yếu là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.
Liên quan dự án này, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn - khoảng 2.510 tỉ đồng trong khoảng 6.157 tỉ đồng chưa giải ngân (vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 đã được bố trí; số vốn này đã được hủy dự toán trên hệ thống và đang kết dư vào ngân sách tỉnh Đồng Nai) - sang năm 2024.
ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết qua theo dõi nội dung thảo luận, đa phần các ý kiến đều thống nhất cần bố trí đủ vốn để dự án này hoàn thành trong năm 2024, "vấn đề khác nhau chỉ là yếu tố kỹ thuật". Theo ông, dự toán ngân sách năm 2021 đã được QH bấm nút quyết toán. Dự toán từ năm 2021 trở về trước đã bị hủy, QH chỉ có thể kéo dài nguồn vốn năm 2022 chưa quyết toán trở về sau. Vì vậy, ông đề nghị bổ sung bố trí dự toán ngân sách năm 2024 để bảo đảm đủ vốn cho dự án này, đồng thời tăng bội chi tương ứng để giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.
Tham gia tranh luận, ĐB Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nêu rõ quan điểm cần phải bố trí bổ sung nguồn vốn cho dự án này. Ông cũng nhất trí với ĐB Nguyễn Hữu Toàn về vấn đề ngân sách năm 2021 đã được QH quyết toán. "Như vậy, nếu nay kéo dài vốn của năm 2021 là không hợp lý bởi không thể bố trí khoản mà QH đã quyết toán, đã chốt và không có chuyển nguồn" - ĐB Giang nói.
Ông Giang đề nghị bố trí vốn vào dự toán của năm 2024 để từ đó cân đối thu chi, tính toán bội chi và sau này có quyết toán. Ông cho rằng làm vậy để tạo điều kiện cho QH quyết toán sau này, địa phương cũng thuận lợi trong việc bố trí giải ngân dự án vào dự toán ngân sách năm 2024.
Báo cáo, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết gói thầu xây dựng nhà ga hành khách là phần quan trọng nhất quyết định tiến độ dự án sân bay Long Thành. Sau nhiều khó khăn, nhà thầu đã được lựa chọn và công trình đã khởi công ngày 31-8-2023.
Theo hợp đồng, thời gian thi công nhà ga hành khách là 39 tháng, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10, 11-2026 - chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của QH. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Về việc tỉ lệ diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng có ảnh hưởng tiến độ dự án hay không, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi 4.882/5.000 ha, đạt 97,6% và đã bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1 cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án. Phần diện tích còn lại gần 24% thuộc giai đoạn 2 nên việc giải phóng mặt bằng diện tích này không ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, nhà ga hành khách là phần quan trọng nhất quyết định tiến độ dự án sân bay Long Thành Ảnh: VĂN DUẨN
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thảo luận về dự án sân bay Long Thành
Công trình đường bộ: 5 nhóm chính sách đặc thù
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đang được Chính phủ trình QH cho ý kiến gồm 10 điều với 5 nhóm chính sách. Trong đó, dự thảo đề xuất "nới" tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư, tăng 20% so với hiện nay, để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đề xuất khác được Chính phủ trình QH là giao thẩm quyền thực hiện đầu tư đường cao tốc, quốc lộ qua các địa phương cho UBND cấp tỉnh; giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án, dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để thực hiện; cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Với những cơ chế đặc thù được đề xuất, Chính phủ kiến nghị cho áp dụng tới hết năm 2025. Mỗi cơ chế sẽ đính kèm danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương.
Thảo luận nội dung này, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên ban hành danh mục các dự án thí điểm. Thay vào đó, QH chỉ nên ban hành những tiêu chí, điều kiện; dự án nào hội đủ điều kiện thì được áp dụng các quy chế đặc biệt, đặc thù. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc công nhận danh mục dự án. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, địa phương.
Về tỉ lệ vốn đầu tư của nhà nước trong dự án PPP, ông Lộc cho rằng nếu quy định dự án triển khai ở TP HCM hay Hà Nội không vượt quá 70% thì dự án ở vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên hay Tây Bắc nên được hưởng điều kiện ưu tiên như vậy, thậm chí có thể tăng lên 80% - 85%.
ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng vốn nhà nước nên tăng lên mức tối đa là 80%, để dư địa cho các địa phương đàm phán với nhà đầu tư. "Mỗi địa phương, tùy từng hoàn cảnh có thể có phương án riêng. Tỉ lệ tham gia góp vốn của nhà nước cũng có thể dưới tỉ lệ tối đa cho phép" - ông đề xuất.
Theo ông Hiếu, cơ sở quan trọng, mấu chốt nhất để xác định tỉ lệ cần dựa trên sự cân bằng, không làm mất đi tính chất hợp tác công - tư và tính khả thi của dự án. Bởi lẽ, "nếu cơ chế không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác".
Giải trình sau phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐB, nghiên cứu lại các tiêu chí để thể hiện được sự đặc thù, đặc biệt, cấp bách. Về tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, ông nhìn nhận đây là vấn đề khó và nhạy cảm. "Trước đây Luật PPP không quy định, khi sửa luật thì đưa vào tỉ lệ 50% như hiện hành. Đến giờ, quy định này không còn phù hợp nữa" - ông nhận xét.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các dự án đi qua địa phương như Tây Bắc, Tây Nguyên, lưu lượng xe thấp thì khả năng thu hồi vốn thấp, các nhà đầu tư không mặn mà. Thực tế này đòi hỏi tỉ lệ vốn nhà nước của dự án phải cao hơn. Tuy nhiên, nâng lên bao nhiêu thì cần tính toán kỹ, phải giữ được hài hòa giữa lợi ích của nhà nước với nhà đầu tư và người dân.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với phương án nhiều ĐB nêu, đó là QH ủy quyền cho Chính phủ quyết định danh mục các dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng phải theo nguyên tắc, tiêu chí QH đưa ra. Cách này vừa đáp ứng được yêu cầu vừa giúp rút ngắn thời gian thực hiện hơn.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6%-6,5%
Chiều 9-11, với 90,49% ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6% - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4% - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Mục tiêu chung là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Bình luận (0)