ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng: "Có ý kiến cử tri nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế! So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới, thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều" .
Sáng nay 14-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về Luật Công an nhân dân sửa đổi. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu cũng như tranh luận, đó là quy định trần quân hàm cấp tướng với Giám đốc Công an tỉnh.
Đề cập quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an nhân dân, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng qua thực tiễn cho thấy việc phong thăng hàm cấp tướng đã và đang được thực hiện nhưng dư luận cũng có ý kiến khác nhau.
"Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế! So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới, thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều"- ông Tạo dẫn ý kiến cử tri.
Theo vị ĐB tỉnh Lâm Đồng, các ý kiến phản ánh đều chung suy nghĩ là phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, "tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua".
Về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, ĐB tỉnh Lâm Đồng cho rằng nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì có sự "vênh" nhau. "Khi xảy ra chiến tranh thì Chỉ huy trưởng quân sự chỉ huy thống nhất, công an chỉ tham gia phối hợp nhưng Giám đốc Công an là tướng trong khi Chỉ huy trưởng chỉ đại tá dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao thì nghe chừng chưa phù hợp".
"Nếu Giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình"- ông Tạo nêu quan điểm.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng cần gắn cấp hàm với chức vụ, bãi bỏ tình trạng phong cấp hàm không gắn với chức vụ, cứ "đến hẹn lại lên". Đồng thời, tiến tới xoá bỏ gắn cấp hàm với tiền lương. Ông cũng nêu thực tế có trường hợp Đội trưởng mang hàm đại uý nhưng cấp dưới lại có vài người mang hàm trung tá, khiến anh em rất tâm tư khi "đại uý lãnh đạo trung tá".
Về phong hàm cấp tướng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng để hạn chế phong cấp hàm không theo quy tắc. Đồng thời, quy định rõ trong luật số vị trí quân hàm cấp tướng, tránh phong tướng lên xong điều đi chỗ khác rồi lại một người khác vào theo kiểu "điền vào chỗ trống", lúc ấy "đại tá lại được phong thành tướng".
ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng đề nghị cần quy định trần quân hàm tối đa của các chức vụ. Nếu được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn thì có thể được xét thăng hàm trước thời hạn cho tương đương với chức vụ, khắc phục tình trạng "cấp trên hàm thấp hơn cấp dưới". Ông Hoà cũng cho rằng cần quy định làm sao tránh tình trạng chức vụ thấp hơn nhưng hưởng chế độ cao hơn người giữ chức vụ cao.
Dùng quyền tranh luận, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng đặt vấn đề về việc nên hay không nên nâng hàm trần cấp hàm và tương đồng hay không tương đồng giữa công an với quân đội là chưa thực sự thuyết phục.
Theo ông Lâm, cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người công an và sĩ quan quân đội. Người nào xứng đáng trình độ là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, tình độ xứng đáng cấp tá thì phong tá. "Còn giám đốc hay thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công".
"Có thể địa phương này trong lúc này cần một cán bộ cấp tướng về chỉ đạo giải quyết vấn đề, nhưng giai đoạn khác, địa phương khác có nhu cầu thì lại điều chuyển đến vị trí đó. Không cứng nhắc chỗ này nhất thiết phải tướng, chỗ kia nhất quyết phải tá"- ông Lâm nói.
Trước ý kiến cho rằng số lượng được phong hàm cấp tướng vừa qua là nhiều, ĐB Trần Văn Lâm đề nghị QH quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Còn phân công người đó vào việc nào là tuỳ thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.
Các đại biểu ĐB Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu; ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đều ủng hộ quy định tất cả giám đốc Công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng và đều khẳng định điều này không làm tăng số lượng cấp tướng trong ngành công an theo quy định.
Từ 1-1- 2019, được đặt cược thể thao
Sáng 14-6, QH đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục thể thao với 93,84% đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, luật này đã bổ sung một điều quy định về đặt cược thể thao.
Điều 68a. Đặt cược thể thao
1. Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
2. Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao;
c) Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia;
d) Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.
3. Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
Bình luận (0)