Ngày 27-5, thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) quan tâm đến các hình thức khen thưởng được nêu trong dự thảo luật.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến hình thức Thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các trường hợp cần phải có sự động viên, khen thưởng kịp thời. Theo ông, ở nhiều nước trên thế giới, các cháu học sinh cũng được Tổng thống hoặc Thủ tướng gửi thư khen kịp thời để động viên các cháu khi có thành tích xuất sắc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn
"Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng rất cần hình thức này. Đối với tôi hay con cháu của tôi khi nhận được Thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ thì rất tuyệt vời, bởi các cháu sẽ phấn đấu tốt hơn nữa. Việc khen thưởng này không cần phải làm hồ sơ thi đua khen thưởng, mà có ngay Thư khen cho những đối tượng cần tính kịp thời"- Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, ngay tại Quốc hội này, nếu ông được Chủ tịch Quốc hội tặng Thư khen thì "rất tuyệt vời". "Nếu như trong một kỳ họp, chúng ta có những đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp nhiều, đưa ra các sáng kiến mà được Thường vụ Quốc hội ghi nhận, có thể gửi ngay Thư khen cho các đại biểu đó ngay tại kỳ họp, giúp các đại biểu sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn..."- ông Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
Tại dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết đã nêu rõ các hình thức khen thưởng gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng nhà nước"; Kỷ niệm chương, Huy hiệu; Bằng khen; Giấy khen. Vị đại biểu đề xuất bổ sung Thư khen vào các hình thức khen thưởng.
Theo ông Ngân, trong báo cáo giải trình của cơ quan thẩm tra đã đánh giá hình thức Thư khen là hợp lý nhưng cần chờ đánh giá tác động và có thể bổ sung ở kỳ họp sau. Vị đại biểu đoàn TP HCM băn khoăn tại sao không bổ sung vào dự thảo luật ngay tại kỳ họp này để thảo luận, xem xét.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP Cần Thơ) cơ bản tán thành nội dung dự thảo Luật đã điều chỉnh lần này. Dự thảo Luật đã tiếp thu, điều chỉnh nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đóng góp và những vấn đề phát sinh đã được quy định phù hợp thực tiễn trong tình hình mới.
Liên quan đến quy định đối tượng khen thưởng là đại biểu dân cử gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, đại biểu cho rằng dự thảo Luật vẫn còn chung chung. Đại biểu chỉ rõ lực lượng này thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng.
Theo ông Nghĩa, thực tế hầu như các địa phương thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đối tượng này vẫn còn lúng túng trong việc lập hồ sơ và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Do đó, vị đại biểu kiến nghị tiếp tục quan tâm hoàn thiện và cụ thể các quy định về thi đua, khen thưởng cho đối tượng này để đảm bảo việc thực hiện được hiệu quả và khả thi.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa thảo luận về quy định khen thưởng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách - Ảnh: Quochoi.vn
Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ địa phương quy định tại khoản 3 Điều 83 dự thảo Luật, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng quy định này không khả thi.
Theo ông Phước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và tặng khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách của trung ương. Tại địa phương, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng hoạt động theo yêu cầu, theo nội dung, theo chỉ đạo và nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công. Do đó, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thể theo dõi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thực hiện nhiệm vụ như thế nào.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam cho rằng nếu quy định thẩm quyền đề nghị khen thưởng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương thì lãnh đạo địa phương lại không nắm được hoạt động của các đại biểu chuyên trách. Quy định này cũng chưa rõ về chủ thể trình xét khen thưởng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách địa phương.
Bình luận (0)