Ngày 27-5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, dành thời gian thảo luận là nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông thảo luận tại hội trường - Ảnh: Quochoi.vn
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án về Điều 66 để đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.
Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú" tại Điều 66. Phương án 2 là giữ như quy định của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Cà Mau) đồng tình với việc xét danh hiệu thi đua đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh và soạn giả của lĩnh vực sân khấu là đối tượng để xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được quy định tại khoản 1 Điều 66 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Vị đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa vào trong Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc phong tặng là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo. Theo ĐB Đông, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
"Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa"- đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao, đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân thiện mỹ cho nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nên cũng là đối tượng được xem xét phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú hoặc là nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thảo luận về nội dung mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú
Đồng tình với đề xuất mở rộng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cho các cá nhân là nhiếp ảnh gia, nhà văn, kiến trúc sư, đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu sẽ thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những người lao động nghệ thuật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cũng tán thành việc thêm đối tượng, thêm lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, bởi sẽ tạo thêm động lực cho các nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) quan tâm đến nội dung danh hiệu gia đình văn hoá, xã tiêu biểu được đề cập trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Minh, danh hiệu gia đình văn hóa, đã được thực hiện nhiều năm nay.
Trong 4 năm gần đây được thực hiện theo Nghị định 122 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố của văn hóa nên danh hiệu này "khá phổ biến" đối với từng gia đình, bình quân hằng năm có địa phương trên 80% gia đình văn hóa.
"Nếu tiếp tục thực hiện danh hiệu này và chỉ dừng lại ở đây, không có danh hiệu cho gia đình tiêu biểu thì rất khó để tìm được hạt nhân điển hình, tạo phong trào thi đua"- đại biểu Minh nói và cho rằng nên có danh hiệu gia đình tiêu biểu để khuyến khích phong trào thi đua của cá nhân, hộ gia đình, địa phương, nhất là trên địa bàn khu dân cư.
Bình luận (0)