. Phóng viên: Hội nghị này là một trong những bước tham vấn ý kiến để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh quy hoạch, tạo bứt phá cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới. Vậy Cần Thơ sẽ đóng góp ý kiến gì, thưa ông?
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường (hàng đầu bên trái) khảo sát những điểm ngập sâu trong nội ô TP Cần Thơ do triều cường .Ảnh: TÂM QUÂN
- Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan; phần lớn rừng tự nhiên, rừng ngập mặn và rừng tràm bị khai thác hoặc cạn kiệt; tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên đất cũng như nước chưa hợp lý, gây mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, lở bờ biển, bờ sông và cạn kiệt nguồn nước ngầm đang diễn ra ngày càng trầm trọng.
Các hoạt động phát triển đập ở thượng nguồn sông Mê Kông đã gây ra nhiều thay đổi về mô hình dòng chảy, giảm tải lượng trầm tích, giảm nguồn lợi thủy sản và xâm nhập mặn sâu hơn. Các can thiệp và giải pháp cho đến nay phần lớn mang tính cục bộ ở từng địa phương hoặc được tổ chức theo từng ngành. Do đó, dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong vùng ĐBSCL.
Tại hội nghị tham vấn, TP Cần Thơ có một số đề xuất, kiến nghị gồm: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, làm cơ sở cho địa phương trong vùng xây dựng đồng bộ quy hoạch tỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt.
Về lâu dài, tác động của BĐKH - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Do đó, đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý trong bản quy hoạch cần đặc biệt quan tâm hệ thống thủy lợi của ĐBSCL vì mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tiết kiệm nước ngọt, chung sống với xâm nhập mặn/lợ, quản lý xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, dành một khoản vốn đầu tư ưu tiên cho vùng ĐBSCL để đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng phó BĐKH và các dự án liên kết vùng theo Nghị quyết 120 của Chính phủ. Đặc biệt, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nội vùng với TP HCM và các vùng miền cả nước.
Cụ thể, hoàn thành các dự án trọng điểm kết nối vùng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và cầu Mỹ Thuận 2; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; các dự án thành phần của dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông; từng bước hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc/trục ngang, kết nối TP HCM với các tỉnh ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng...
. Với vai trò là "anh cả" của vùng ĐBSCL nhưng TP Cần Thơ vẫn còn nhiều "điểm nghẽn"cần sớm tháo gỡ để phát triển tương xứng với kỳ vọng của địa phương cũng như khu vực. Với quy hoạch này, liệu những "điểm nghẽn" đó có được giải tỏa?
- Đối với TP Cần Thơ, đường bộ vẫn còn các tuyến cao tốc trục dọc/trục ngang và đường trục chính đô thị quan trọng chưa được đầu tư xây dựng. Các bến xe, bãi đỗ xe, bến tàu tổng hợp chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác. Ùn tắc giao thông đô thị chưa được khắc phục tại một số trục đường chính và các nút giao thông trọng điểm. Quản lý và điều tiết giao thông còn thủ công, chưa có hệ thống giao thông thông minh.
Về đường thủy, chủ yếu khai thác theo địa hình sông, rạch tự nhiên có đường đi quanh co dẫn đến cự ly hành trình dài, chưa được đầu tư nạo vét và cải tạo luồng tuyến đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch; cảng, bến thủy nội địa phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng.
Ngày 5-8, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu "Xây dựng và phát triển Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...".
Việc ban hành nghị quyết này đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL và cả nước; giúp đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị, động viên nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, là sức mạnh tổng hợp, mở đường cho việc đưa ra những khâu đột phá, những chương trình trọng điểm, những giải pháp mới và thu hút nguồn lực, cả vật chất lẫn tinh thần, phục vụ sự phát triển cho TP Cần Thơ, đóng góp chung vào sự phát triển của vùng và cả nước.
Tại hội nghị này, TP Cần Thơ mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để tìm ra các giải pháp nhằm giải tỏa, tháo gỡ các "điểm nghẽn" để phát triển TP Cần Thơ tương xứng với mục tiêu và kỳ vọng đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 59.
. Ông đánh giá gì về tầm quan trọng của quy hoạch này?
- Quy hoạch vùng ĐBSCL khi được phê duyệt sẽ đề ra các giải pháp nhằm giải quyết căn bản và toàn diện các thách thức hiện tại cũng như phát triển trong tương lai của vùng đã được thể hiện ở Nghị quyết 120; nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1163 nhằm phát huy lợi thế so sánh của vùng để giải quyết các mâu thuẫn và chồng chéo giữa các ngành và các tỉnh; khai thác tối đa tiềm năng của vùng và biến những thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Kiến nghị phân bổ nguồn lực
Theo ông Trần Việt Trường, Cần Thơ sẽ kiến nghị trung ương phân bổ nguồn lực cũng như có chính sách phát triển để đầu tư trên địa bàn TP một số dự án phục vụ cho vùng ĐBSCL như: Trung tâm cung cấp nước sạch cấp vùng cung cấp nước cho các hộ dân vùng Tây Nam sông Hậu (các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), ứng phó tình hình khô hạn, xâm nhập mặn; trung tâm hậu cần logistics tầm quốc gia, quốc tế...
Bình luận (0)