Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ĐBSCL có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước. Đây là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Sụt lún, xói lở nghiêm trọng
Tính đến tháng 4-2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây của cả nước. Vùng đất này cũng cung cấp 90% sản lượng lúa gạo và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH). Nước biển dâng, khí hậu cực đoan… là những thách thức to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế, đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Theo GS-TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc gia về BĐKH, hiện khu vực này có khoảng 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800 km, chủ yếu diễn ra dọc sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay, bờ biển vùng ĐBSCL bị xói lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Tổng diện tích xói lở khoảng 280 km2 với tốc độ trung bình 26-30 m/năm, trong đó đoạn bị xói lở cao nhất từ 50-67 m/năm ở khu vực cửa sông Bồ Đề (Cà Mau).
BĐKH đang diễn ra với những biểu hiện như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước ĐBSCL.
Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa hết khó khăn với cây lúa luôn bị thiên tai đe dọa Ảnh: NGỌC TRINH
Theo kết quả đánh giá sơ bộ thuộc dự án "Nghiên cứu giai đoạn 1 - sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau" do Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy triển khai từ tháng 5-2012, tốc độ sụt lún địa chất do khai thác nước ngầm ở Cà Mau là 1,9-2,8 cm/năm. Trong 20 năm qua, tỉnh Cà Mau đã mất đất hoặc bờ biển bị lùi vào từ 100 m đến 1,4 km. Khu vực tỉnh Hậu Giang có tốc độ sụt lún do khai thác nước ngầm khoảng 3,01-3,3 cm/năm và có thể xảy ra ở hầu hết diện tích toàn tỉnh.
Phát huy thế mạnh từ nghịch cảnh
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết theo kịch bản BĐKH năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập cao (38,9% diện tích). Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).
Theo ông Bảy, đối với tài nguyên nước, để thích ứng với BĐKH, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản về cách thức quản lý, sử dụng nước, hạn chế các tiêu cực hay tính bất định để bảo đảm phát triển bền vững ĐBSCL trong các thập niên còn lại của thế kỷ này. Theo đó, ĐBSCL cần được phân thành 3 vùng gồm: vùng trên: sống chung với lũ; vùng giữa: bảo đảm cung cấp nước ngọt cho vùng và vùng ven biển, chống lũ an toàn cho các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư; vùng ven biển: sống chung với nước lợ, nước mặn. Trên cơ sở việc phân vùng nêu trên, bên cạnh các định hướng, giải pháp quản lý, sử dụng nước chung của cả vùng.
Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quốc gia ở thượng nguồn Mê Kông đang gia tăng những hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện và nông nghiệp, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với ĐBSCL. Phát triển thủy điện ở thượng lưu thuộc Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành với tổng dung tích hữu ích 6 bậc thang thủy điện lớn lên tới 22,7 tỉ m3. Phía hạ lưu sẽ có việc gia tăng đáng kể các hồ chứa ở Lào, kể cả việc phát triển thủy điện trên dòng chính. Trong tương lai, số lượng hồ thủy điện được quy hoạch ở thượng lưu sông Mê Kông sẽ là 150 với tổng dung tích 106 tỉ m3. Việc này sẽ tác động không nhỏ đến trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, hạ tầng thủy lợi và nông thôn ĐBSCL.
Cần phải rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng ĐBSCL theo các định hướng sinh kế chuyển đổi bền vững và thích ứng với BĐKH. Theo đó, nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng điều chỉnh quy hoạch các ngành hàng chiến lược theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích cây ăn trái, phục hồi phát triển rừng ngập mặn/ngập lợ, giảm diện tích lúa vụ 3, tăng sản lượng chăn nuôi; quy hoạch lại hệ thống thủy lợi phù hợp với cơ chế giữ lũ, ngăn mặn linh hoạt hơn và phục vụ nhiều hệ thống canh tác khác nhau, đặc biệt là thủy sản và trái cây…
Không quá tập trung vào cây lúa
Góp ý tại hội nghị, TS Hoàng Ngọc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải giữ trọng trách nặng nề để bảo đảm an ninh lương thực, trong khi ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu? Tại sao chúng ta phải trồng những giống lúa chất lượng thấp để xuất khẩu với giá rẻ cho người nghèo trong hơn 1/4 thế kỷ qua với vị trí số 2, số 3 thế giới? Nhiều người còn cho đó là nguồn an ninh lương thực?".
Cũng theo TS Phong, ở ĐBSCL chỉ cần bảo đảm nguồn nước ngọt cho hơn 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao, chất lượng cao thì thừa đủ để người dân sống tốt. Với 500.000 ha đất nhiễm mặn, khi đã thay đổi cơ cấu sản xuất, chỉ cần cung cấp nước ngọt không lớn để pha loãng nhằm nuôi trồng thủy sản.
"Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực. Làm nông nghiệp không phải cứ tập trung làm lúa gạo mà phải hướng đến nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đã đến lúc nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ rồi dẫn tới việc nông dân không có lãi, nhà nước lại phải đầu tư lớn" - TS Phong hiến kế.
Kêu gọi cộng đồng chung tay
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mê Kông vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
"Tôi đề nghị sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân, phát huy lòng tự hào dân tộc, truyền thống tự cường, vượt khó khăn, gian khổ và trí tuệ của người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung" - Phó Thủ tướng đề nghị.
BÊN LỀ
GS-TS Võ Tòng Xuân:
Đất đai manh mún thì mãi nghèo
Có thể khẳng định rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là do con người gây ra. Bây giờ mưa, nắng, bão lụt, khô hạn không thể lường trước được như xưa kia. Tuy nhiên, chắc chắn 2 thực tế là nước ngọt đang giảm mạnh, không nguồn thay thế, trong khi nước mặn có thể dâng cao hơn và đất đai xói mòn, diện tích đang mất dần.
Vì thế, nếu chúng ta còn để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự do nuôi trồng không tổ chức thì nông dân mãi nghèo. Hơn nữa, nếu sử dụng nước ngọt một cách không hiệu quả là còn trong thời kỳ bao cấp, làm nghèo cả xã hội và làm cạn nhanh ngân sách. Doanh nghiệp với công nghệ chế biến sản phẩm bằng nguyên liệu không truy nguyên được nguồn gốc là còn dung túng cho sản xuất không trách nhiệm, lừa gạt người tiêu dùng, xâm hại uy tín của công ty và của quốc gia.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:
Cần chính sách dài hạn
Chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Kế hoạch ĐBSCL, tầm nhìn dài hạn đến năm 2100 được các chuyên gia Hà Lan cùng các nhà khoa học trong nước khuyến nghị Chính phủ xem xét qua 4 kịch bản và khuyến nghị mô hình công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp.
Theo đó, cần tập trung 3 vấn đề mang tính xương sống. Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Ba là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.
Bình luận (0)