Do tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên từ đầu tháng 6 đến nay, tình hình sạt lở đê quốc phòng thuộc khu vực rừng phòng hộ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đang diễn ra ngày càng dữ dội.
Cụ thể, những ngày gần đây, sóng biển đánh mạnh và nước biển dâng cao đã làm sạt lở đoạn đê quốc phòng thuộc ấp Kim Quy B, xã vân Khánh, huyện An Minh khiến hàng chục hộ dân nơi đây mất ăn mất ngủ vì lo sợ đến an nguy tính mạng và thiệt hại kinh tế. Theo người dân, trước đây khi chưa sạt lở thì khu vực này là khu nuôi trồng thủy sản rộng hàng trăm ha dưới tán rừng phòng hộ nhưng giờ đây mọi thứ đã trôi theo con nước biển dâng. Nguyên nhân được người dân cho rằng do rừng phòng hộ trên địa bàn huyện An Minh đã mất đi nhanh chóng nên sạt lở càng diễn biến phức tạp.
Bà Hồ Thị Ngộ, một hộ dân sống cạnh chân đê, cho biết: "Hồi trước, từ nhà tôi ở sát chân đê ra đến ngoài bãi bồi dài cả 1,5 km nhưng nay sóng biển đã cuốn trôi đến chân đê gây sạt lở, không còn đường đi nữa. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm sửa chữa để có đường đi và chắn sóng che chở cho người dân phía trong đê".
Theo ông Thái Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh, trong khu vực sạt lở có 20 hộ bị ảnh hưởng nặng, nhiều hộ gia đình có người già và trẻ em. Kể từ ngày 1-6 đến nay, UBND xã đã vận động bà con di dời vào những khu vực an toàn.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến nay, huyện An Minh đã mất trên 300 ha đất có rừng. Trung bình mỗi năm, biển lấn sâu vào khu vực đất liền của huyện này 20 m. Người dân và chính quyền đang thực hiện 2 giải pháp để đối phó với sạt lở, gồm: Kè đá bãi tạm dài hơn 500 m chủ yếu để giữ đất của trạm biên phòng hiện nay; đóng cừ tràm tạo bãi bồi hơn 100 m để giữ đất khai thác thủy sản cho người dân. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ mang tính tình thế, không bền vững.
Sạt lở đang uy hiếp đê biển ở huyện An Minh, tỉnh Kiên GiangẢnh: Giang Sơn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ An Biên - An Minh, đưa ra lý do là từ đầu tháng 6 đến nay, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa nên nước mưa cùng nước biển dâng cao cộng với sóng đánh mạnh nên những đoạn còn lại trên tuyến đê vẫn tiếp tục sạt lở. "Việc sạt lở không chỉ gây nguy hiểm cho những hộ dân phía trong đê mà còn làm nhiều diện tích rừng bị cuốn trôi theo sạt lở" - ông Linh giãi bày.
Tại TP Cần Thơ, những ngày gần đây cũng đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền. Trong đó, quận Ô Môn là địa phương xảy ra sạt lở nhiều nhất. Hiện toàn quận Ô Môn có gần 40 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 3.000 m; trong đó có 11 điểm sạt lở nghiêm trọng. Tại huyện Phong Điền, 2 vụ sạt lở nghiêm trọng vừa xảy ra ở xã Nhơn Nghĩa và xã Nhơn Ái khiến 2 đoạn đường giao thông và một phần nhà kho bị sụp xuống sông. Để khắc phục các điểm sạt lở này nhằm bảo đảm tài sản và tính mạng của người dân, theo đề xuất của Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, trước mắt sẽ được gia cố tạm thời bằng cừ tràm, cừ dừa và tiến hành khảo sát để có phương án khắc phục lâu dài.
Ở Đồng Tháp, tính đến thời điểm hiện tại đã xảy ra hơn 20 vụ sạt lở tại các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông và thị xã Hồng Ngự. Hậu quả, hơn 4.000 m bờ sông bị sạt lở sâu vào từ 1-20 m, diện tích sạt lở khoảng 15.300 m2. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng sạt lở đã gây thiệt hại về vật chất ước tính gần 4 tỉ đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng tình hình sạt lở trên diện rộng đang diễn ra trên khắp khu vực. Có những nguyên nhân tại chỗ nhưng cũng có những nguyên nhân trên toàn hệ thống lưu vực sông.
Bình luận (0)