Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, một trong các mục tiêu phục hồi kinh tế của UBND TP HCM sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 là tập trung phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp, nhất là công nhân, với nhiều giải pháp mang tính đột phá đã và đang tiến hành.
Thu hồi, siết dự án "quên" NƠXH
Theo phân tích thu nhập và khả năng chi trả trong đề án xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, hiện chỉ 20% người lao động đủ khả năng mua nhà ở thương mại phân khúc trung cấp trở lên, 40% người lao động chỉ đủ khả năng mua nhà ở thương mại giá thấp, 40% còn lại không đủ khả năng tiếp cận nhà ở theo dự án. Vì vậy, nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động nằm chủ yếu ở phân khúc giá thấp, cụ thể là NƠXH.
Ngoài việc đề ra hàng loạt giải pháp phát triển dự án nhà ở xã hội mới, TP HCM cũng đang ra sức đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ. Ảnh: LÊ PHONG
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng TP, một trong những nguyên nhân khiến trong vòng 5 năm qua, dù TP đã có nhiều ưu đãi nhưng nhu cầu NƠXH chỉ đạt khoảng 20% so với thực tế đòi hỏi là do nhiều nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã dùng tiền để "quên" đi trách nhiệm tạo ra NƠXH. Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha bắt buộc phải bố trí 20% diện tích dự án làm NƠXH. Thế nhưng những năm qua, hơn 50% nhà đầu tư lựa chọn giải pháp nộp tiền vào ngân sách thay vì phát triển NƠXH. Từ đó, dẫn đến quỹ NƠXH đã ít lại càng khan hiếm.
Trước thực tế trên, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ có quy định siết chặt. Theo đó, năm 2021, nghị định mới bắt buộc các dự án từ 2 ha trở lên (thay vì như trước đây là 10 ha) phải dành một phần diện tích làm NƠXH và bắt buộc phải triển khai thay vì hoán đổi bằng cách nộp tiền vào ngân sách. "Ngoài ra, Sở Xây dựng còn phối hợp với các sở - ngành tạo điều kiện phát triển nhà lưu trú công nhân bằng giải pháp hỗ trợ hạ tầng có sẵn trong các KCN, khu dân cư hiện hữu để giảm chi phí đầu tư ban đầu, thu hút nhiều đơn vị tham gia" - lãnh đạo Sở Xây dựng TP thông tin và khẳng định với những chính sách và giải pháp vừa nêu, TP sẽ có thêm nguồn cung NƠXH và nhà lưu trú công nhân.
Để quy định trên được thực thi hiệu quả, Sở Xây dựng cũng đang gấp rút cùng các sở - ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê quỹ đất NƠXH do nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại nhằm yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai thực hiện. "Trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại cho nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, không để lãng phí quỹ đất này" - lãnh đạo Sở Xây dựng TP nhấn mạnh.
Xác định cụ thể quỹ đất
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết, hiện gần 20 nhà đầu tư đang có ý định phát triển NƠXH phục vụ công nhân, người thu nhập thấp. Đặc biệt, trong cuộc họp do UBND TP tổ chức mới đây, qua báo cáo của các đơn vị liên quan, UBND TP xác định khu đất tái định cư có diện tích 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có khả năng triển khai dự án NƠXH phục vụ công nhân. Theo đánh giá, hạ tầng khu vực này đã được đầu tư mở rộng nên sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia. "Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ thành lập đoàn công tác phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức kiểm tra tính pháp lý, thông tin quy hoạch về khu đất này để cung cấp dữ liệu kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án" - lãnh đạo Sở Xây dựng nói.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho hay ngoài khu đất 15 ha nêu trên, hiện TP còn ghi nhận hàng chục khu đất chưa được triển khai do nhà nước quản lý. Đây là những khu đất có khả năng xây dựng công trình NƠXH. "Dự kiến trong tuần này chúng tôi sẽ có buổi làm việc với các đơn vị liên quan để đưa ra kế hoạch liên tịch nhằm rút gọn các thủ tục hồ sơ, pháp lý. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tạo động lực cho các nhà đầu tư tham gia" - ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định. Theo ông, mục tiêu lần này không chỉ phát triển sản phẩm nhà giá rẻ để bán mà còn có những sản phẩm với hình thức cho thuê, vừa cho thuê vừa mua.
Hiện các quận - huyện có nhu cầu NƠXH, nhà lưu trú công nhân cao cũng đang ráo riết tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án cũ cũng như lên kế hoạch cho các dự án mới. Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7, thừa nhận nhu cầu NƠXH, nhà lưu trú công nhân đang vô cùng cấp bách, nhất là công nhân đang làm việc tại KCX Tân Thuận ngày càng tăng. "Ngoài việc thúc đẩy các dự án đang triển khai, quận 7 đã chủ động rà soát được 3 khu đất có khả năng phát triển được NƠXH. Hiện quận đã đề xuất UBND TP sớm cho phép xã hội hóa các dự án nhà lưu trú công nhân, NƠXH nói trên" - ông Tuấn Anh nói và khẳng định trong thời gian tới sẽ có nhiều công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn chạm đến giấc mơ an cư.
Cam kết mạnh mẽ
Một giải pháp khác để đẩy nhanh nguồn cung NƠXH được Sở Xây dựng TP chuẩn bị sẵn là bản thiết kế mô hình mẫu cho NƠXH. "Đây là mô hình được lựa chọn từ cuộc thi do nhiều nhà đầu tư, kiến trúc sư tham gia. Bản thiết kế này sẽ là lựa chọn cho các doanh nghiệp tham khảo. Nếu lựa chọn sẽ được miễn thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở trong hồ sơ cấp phép xây dựng. Việc này giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, chi phí đầu tư, từ đó kéo giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư" - ông Huỳnh Thanh Khiết nói.
Hiện Sở Xây dựng TP HCM đang xây dựng các giải pháp xây dựng nhà ở giá thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng việc tìm kiếm các loại vật liệu và công nghệ xây dựng mới, hiện đại, rút ngắn thời gian và hạ giá thành sản phẩm. Sở này cũng khẳng định nhà ở cho người thu nhập thấp không có nghĩa là nhà có chất lượng thấp, mà phải bảo đảm đầy đủ tiện ích cho người dân sử dụng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự bất cập rất lớn hiện nay là nhu cầu nhà ở. Ông nói phần lớn người dân rời TP trở về quê vì không chịu được cảnh sống trong phòng trọ chật hẹp suốt nhiều tháng. Bởi thực tế, có những khu trọ ẩm thấp, thiếu ánh sáng và 4-5 người cùng ở trong căn phòng chưa được 12 m2. "Từ câu chuyện này, lãnh đạo TP quyết tâm sắp tới phải bằng mọi giá, xây dựng được các dự án nhà giá rẻ, nhà lưu trú công nhân đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Chủ tịch UBND TP khẳng định trước mắt, TP rà soát phát triển khu đất tại huyện Bình Chánh để đáp ứng nhà ở cho công nhân, người lao động tại khu vực phía Tây TP. Ngoài ra, UBND TP sẽ giao nhiệm vụ cho từng sở - ngành liên quan và từng địa phương phải có phương án làm nhà giá rẻ, nhà lưu trú công nhân. "Mục tiêu trong vài năm tới, TP sẽ có 1 triệu căn nhà giá rẻ, qua đó đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp" - ông Phan Văn mãi nhấn mạnh. Chủ tịch UBND TP HCM bộc bạch sự phát triển của TP có sự góp sức không nhỏ của người dân nhập cư nên khi người dân được an cư, an tâm làm việc thì sự cống hiến cho TP sẽ ngày càng nhiều hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10
Đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết từ thực tế cấp bách về nhà ở cho công nhân, bản thân ông đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển NƠXH vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, trong kiến nghị gửi đến Chính phủ về chính sách nhà ở cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa Luật Nhà ở theo hướng đưa NƠXH cho công nhân thành một mục "Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động", trong đó có chủ thể tham gia đầu tư là Tổng LĐLĐ Việt Nam, để Tổng Liên đoàn tham gia cùng Chính phủ và các địa phương chăm lo nhà ở cho công nhân. Kế đến, sau khi Luật Nhà ở đã được sửa đổi, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP theo hướng xác định Tổng LĐLĐ Việt Nam như là cơ quan quản lý nhà nước được giao xây dựng và cho thuê nhà ở công nhân.
Bình luận (0)