Thanh tra Chính phủ vừa kết luận hàng loạt sai phạm tại các dự án thủy điện ở tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Thủy điện Đắk Re (Công ty CP Thủy điện Thiên Tân chủ đầu tư) thực hiện từ năm 2007-2010. Sau 4 lần điều chỉnh tiến độ, thời gian điều chỉnh 10 năm nhưng nay đã 12 năm vẫn dang dở. Đáng lý phải bị thu hồi tiền ký quỹ nhưng cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum không thu hồi. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cũng không theo dõi mà buông lỏng quản lý, giám sát.
Dự án này thuê của tỉnh Kon Tum hơn 146 ha đất nhưng Kon Tum giao tới hơn 171 ha. Thủy điện này còn chiếm dụng trái phép đất rừng. Khi điều chỉnh quy mô từ 30 MW lên 60 MW, diện tích dự án tăng từ 175 ha lên 192 ha, chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng tỉnh Kon Tum cũng không xử lý.
Thủy điện Đắk Re thi công chậm tiến độ nhiều năm, tỉnh Kon Tum cũng không thu hồi tiền ký quỹ. Ảnh: NGUYỄN CHÍ
Năm 2016, khi chưa đủ điều kiện nhưng thủy điện này vẫn triển khai thi công và đổ khoảng 110.513 tấn chất thải ra đất rừng, nương rẫy của dân, ngoài vị trí quy định. Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xác định khối lượng chính xác, xử phạt hành chính, trả lại trạng thái ban đầu.
Thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh chủ đầu tư) thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất nhưng tỉnh Kon Tum không yêu cầu lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thủy điện này còn chiếm dụng thêm 109 ha. Tỉnh Kon Tum cũng không thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất, không yêu cầu chủ đầu tư nộp 4,6 tỉ đồng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp với diện tích hơn 48 ha.
Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum chưa cho thuê đất để xây dựng đường hầm dẫn nước và khu vực nhà máy nhưng chủ đầu tư đã triển khai từ năm 2015 nhưng cơ quan chức năng của tỉnh buông lỏng quản lý. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với 2 khu vực làm bãi trữ và bãi thải có diện tích 60 ha. Tuy nhiên, UBND tỉnh Kon Tum chưa có quyết định cho thuê đất nhưng trong quá trình thi công, hàng triệu mét khối đất, đá thải đã được đổ ra ngoài vị trí được bố trí làm bãi thải. Do đó, tỉnh Kon Tum phải yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đúng mục đích ban đầu, không khắc phục được hậu quả thì chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch 81 công trình thủy điện chiếm trên 1.158 ha đất rừng. Theo Thanh tra Chính phủ, việc quy hoạch này có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư, chưa quan tâm đúng mức đến ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Năm 2019, tỉnh Kon Tum có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch. Tuy vậy, đến năm 2020 vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch.
Bình luận (0)