Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) Đinh Việt Thắng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) một số nội dung liên quan.
Tại các cảng hàng không, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm virus cao - Ảnh: Dương Ngọc
Theo đó, tại các cảng hàng không, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm virus cao. Do đó, Cục Hàng không đề nghị ưu tiên cho các nhóm nhân viên được tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 1 gồm: Nhân viên làm thủ tục hành khách, nhân viên phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp viên, phi công, kiểm soát viên không lưu.
Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch và sớm vận chuyển vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam, Cục Hàng không cũng đề nghị giao cho các hãng hàng không Việt Nam đảm nhiệm vận chuyển chính trong các đợt vận chuyển vắc-xin của Chính phủ Việt Nam.
Theo Cục Hàng không, việc khử trùng máy bay trên các chuyến bay quốc tế và khu vực phục vụ chuyến bay quốc tế được quy định ở các văn bản khác nhau và chưa có sự thống nhất, nên Cục Hàng không kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ GTVT thống nhất với cơ quan y tế liên quan về việc giám sát, kiểm tra và khử trùng máy bay, nhà ga hàng hóa… tại các cảng hàng không, sân bay do kiểm định viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương (CDC) thực hiện.
Theo thông tin mới nhất, Bộ Y tế đã cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu ngay 204.000 liều vắc xin để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống Covid-19.Tên vắc xin: Covid-19 Vaccine AstraZeneca. Nhà sản xuất: SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc.
Dự kiến ngày 28-2, lô vắc xin đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vắc xin của chương trình COVAX cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, chúng ta có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.
Hiện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin.
Theo đại diện đơn vị nhập khẩu vắc-xin, nhóm nguy cơ cao như y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ biên phòng ở tuyến đầu... sẽ là những người được xếp ưu tiên đầu tiên. Nguồn chi trả cho nhóm này sẽ là ngân sách nhà nước. Trong trường hợp số lượng vắc-xin về Việt Nam nhiều hơn, sẽ thực hiện theo kế hoạch tiêm ngừa do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xây dựng, trong đó có cả việc thực hiện tiêm song song hai nguồn Chính phủ chi trả và xã hội hóa (tiêm vắc-xin dịch vụ).
Theo cơ chế COVAX, các nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm chủng trong giai đoạn đầu là: Cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là đến nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi có bệnh nền nhằm bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Bình luận (0)