Trạm thu phí BOT Cai Lậy gây nhiều bức xúc trong dư luận - Ảnh: Lê Phong
Gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Dương và TP Đà Nẵng bày tỏ sự bức xúc đối với việc thực hiện các dự án BOT giao thông trên địa bàn cả nước thời gian qua, trong đó có việc lập trạm thu giá (thu phí) không đúng vị trí, một số tuyến đường chỉ sửa chữa cũng lập trạm thu phí. Cử tri đề nghị Chính phủ cần xử lý nghiêm khắc những người có liên quan.
Giải trình vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì ban hành các Thông tư số 90/2004/TT-BTC và Thông tư số 159/2013/TT-BTC, trong đó có quy định việc đặt trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, cụ thể:
Đường bộ đặt trạm thu phí khoảng cách giữa các trạm thu phí đảm bảo tối thiểu 70 km thì do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định. Đối với đường cao tốc thực hiện theo hình thức thu phí kín không đặt vấn đề cự ly các trạm thu phí.
Bộ GTVT khẳng định trong quá trình thực hiện, trình tự, thủ tục liên quan đến việc xác định vị trí trạm thu phí được Bộ GTVT thực hiện đúng trình tự hướng dẫn của quy định pháp luật: Tư vấn khảo sát hiện trường dự kiến vị trí trạm thu phí và thỏa thuận với địa phương; lấy ý kiến của các địa phương (có nhiều trạm thu phí nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội) và Bộ Tài chính.
Quá trình ban hành thông tư thu phí của Bộ Tài chính cũng đã thực hiện đúng quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết trong quá trình tổ chức thu phí BOT đã xảy ra những bất cập như cử tri đã nêu về vị trí trạm BOT.
Qua đánh giá, nguyên nhân chính là hình thức thu phí dịch vụ chưa đảm bảo tuyệt đối công bằng cho người sử dụng (chỉ miễn giảm cho xe máy, xe thô sơ và một số xe chuyên dùng; không miễn phí cho các phương tiện của các hộ dân sinh sống trong khu vực lân cận trạm).
Về hình thức thu phí kín, người dân trả trên số km thực đi và đảm bảo công bằng nhưng chỉ áp dụng được đối với đường cao tốc vì kiểm soát được sự ra, vào của các phương tiện.
Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu hở (do quốc lộ thường có nhiều đường ngang và lối ra, vào các khu dân cư) và hình thức này có hạn chế là chỉ có thể đảm bảo tính công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả trong khi đó những người đi quãng đường dài 40-50 km ở khoảng cách giữa 2 trạm thu phí thì vẫn không phải trả).
Để hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT nói riêng và hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Đồng thời đang chỉ đạo xây dựng tiêu chí thành lập trạm thu phí, xây dựng mức giá phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến thu phí theo hình thức tự động không dừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành.
Về một số tuyến đường chỉ sửa chữa cũng lập trạm thu phí, Bộ GTVT cho biết do ngân sách hạn hẹp, trong điều kiện nhiều tuyến quốc lộ xuống cấp nghiêm trọng, trên cơ sở kiến nghị của địa phương, Bộ GTVT đều đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Việc triển khai các dự án đầu tư nâng cấp mặt đường; cải tạo, mở rộng một đoạn quốc lộ hiện hữu là hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực Chính phủ khuyến khích đầu tư tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các phương tiện ô tô đang được sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông mà không phải trả giá dịch vụ sẽ không còn sự lựa chọn miễn giá vé. “Điều này cũng có thể nói quy định của pháp luật chưa lường hết được tác động đối với các đối tượng ảnh hưởng”- Bộ GTVT cho hay.
Bộ GTVT đang chỉ đạo rà soát, lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết, liên thông trong cả hệ thống quy hoạch hệ thống giao thông.
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
“Do vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ hiện hữu sẽ được sử dụng vốn từ nguồn ngân sách hoặc quỹ bảo trì đường bộ”- Bộ GTVT cho hay.
Bình luận (0)