Theo Quyết định 633 và Quyết định 868 của Chính phủ, đất nông nghiệp của Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) được quy hoạch với diện tích trên 3.900 ha, trong đó có khoảng 2.719 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng nhà trên đất nông nghiệp ở Phú Quốc diễn ra ồ ạt gây phức tạp cho công tác quản lý đất đai.
Dập dìu dự án "ma"
Vụ việc 79 căn biệt thự không phép mọc lên trên khu đất công gần 19 ha ở ấp Đường Bào (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) là điển hình cho câu chuyện dự án "ma" băm nát quy hoạch, xáo trộn trật tự hạ tầng của thành phố đảo. Điều đáng nói là khu dự án "ma" này trước khi có quyết định cưỡng chế thì nhiều năm được xây dựng ngang nhiên, như thể "tàng hình" trước cơ quan chức năng.
Vừa qua, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ được 2 căn và chắc hẳn phải tốn rất nhiều thời gian, công sức cho việc xử lý 77 căn còn lại. Trong vụ việc này, Công an tỉnh Kiên Giang cũng đã khởi tố 3 đối tượng về hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của các đối tượng là bao chiếm đất công rồi chuyển nhượng qua lại, đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây khu dân cư trái phép, lừa người khác mua lại nhằm thu lợi bất chính.
79 căn biệt thự xây dựng không phép nhưng đến nay chính quyền địa phương xử lý thiếu rốt ráo
Cũng với hình thức như trên, nhiều khu đất rừng, đất nông nghiệp ở Phú Quốc bị các đầu nậu tùy tiện san gạt mặt bằng, làm đường, kéo điện… phân lô, bán nền.
Những ngày đầu tháng 11-2022, lần theo nội dung được quảng cáo trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến một dự án khu dân cư có cái tên khá hấp dẫn là Khu dân cư Làng Hoa Phú Quốc, tọa lạc trên khu đất giáp rừng phòng hộ tại ấp 3, xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc.
Dự án này được môi giới đất quảng bá có cơ sở hạ tầng hiện đại, ôtô lưu thông 2 chiều, đã xây dựng nhiều nhà, hàng quán, có vị trí đẹp, cạnh suối, dựa lưng vào núi… Đặc biệt là bao quy hoạch, đất sạch được cam kết 100%, giá chuyển nhượng dao động từ 400 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/nền.
Cũng giống các dự án "ma" khác ở Phú Quốc, môi giới cho hay việc xây dựng được diễn ra ngay sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, muốn xây dựng thế nào là tùy người mua, bảo đảm không bị cơ quan chức năng làm khó. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao là làng hoa nhưng không thấy hoa thì môi giới trả lời ngắn gọn "đất Phú Quốc tăng giá từng ngày không đủ bán thì có đâu mà trồng hoa".
Theo quan sát của phóng viên, khu dự án "ma" này có đường, điện được đầu tư khá toàn diện, nhiều căn nhà đã được xây dựng xong, có người dân vào ở. Nổi bật nhất là một căn nhà được xây lên và treo biển "Nhà hàng Làng Hoa Phú Quốc" nhưng bên trong không hề có người bán lẫn khách hàng. Xung quanh khu đất là rừng nhưng không nhìn thấy ranh, mốc rừng đâu mà chỉ thấy nhiều cây có kích thước lớn bị đốn hạ, nằm ngổn ngang, có dấu hiệu xâm lấn vào đất rừng.
Hệ lụy khôn lường
Một người dân mua đất cất nhà trong Khu dân cư Làng Hoa Phú Quốc nói: "Chúng tôi thấy rẻ thì mua cất nhà ở, nếu có giá thì bán lại. Việc mua bán chỉ lập vi bằng, chủ đầu tư nói chờ thời gian sau chuyển mục đích sử dụng đất được sẽ làm sổ đỏ. Từ khi mua đất cất nhà và vào ở đến nay không có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra, hỏi han gì nên cũng thấy yên tâm".
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, quan điểm của địa phương là tất cả vụ việc xây dựng trái phép, đặc biệt là lấn chiếm đất nhà nước quản lý, kể cả đất rừng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn những trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đất đó nằm trong quy hoạch chưa triển khai dự án hoặc chưa phê duyệt quy hoạch 1/2.000 hoặc 1/500, thì tùy theo trường hợp đủ điều kiện hay không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng tạm hoặc cho sửa chữa theo quy định.
Khu dân cư Làng Hoa Phú Quốc phân lô trái phép
Lãnh đạo TP Phú Quốc cũng khẳng định năm 2022 được xác định là năm hạ quyết tâm cưỡng chế. Tháng 8 vừa qua, Phú Quốc đã cưỡng chế 8 trường hợp xây dựng trái phép và cưỡng chế rất nhiều trường hợp xây dựng đường bê-tông trái phép trên đất nông nghiệp dạng phân lô bán nền. Tháng 10 cưỡng chế các công trình bungalow lấn biển ở xã Hàm Ninh. Đặc biệt, trong tháng 11 đã liên tiếp cưỡng chế 2/79 căn biệt thự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp do nhà nước quản lý và bến xe buýt xây dựng trái phép trên đất phi nông nghiệp do nhà nước quản lý.
"Chúng tôi không hề buông lỏng việc quản lý. Từ năm 2018 đến nay, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chính quyền địa phương đã tổ chức gần 650 cuộc cưỡng chế xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nhà nước quản lý, lấn chiếm đất rừng... Những vụ vi phạm, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục không được nên phải cưỡng chế. Trong thời gian qua, cưỡng chế nhiều công trình dự án xây dựng, nhiều căn hộ, biệt thự… thấy rất là xót nhưng phải làm để siết chặt kỷ luật kỷ cương" - ông Hưng nói.
Việc chính quyền địa phương hạ quyết tâm xử lý vi phạm, cưỡng chế các khu dân cư tự phát, các công trình xây dựng trái phép là việc bắt buộc phải làm để lập lại trật tự cho Phú Quốc. Tuy nhiên, hệ lụy của nó để lại cho mỗi người dân mua đất, xây nhà là không nhỏ. Rồi những người trót lỡ mua đất phân lô, xây nhà ở trái phép khi bị cưỡng chế sẽ đi đâu, về đâu, ai bồi thường thiệt hại cho họ?
Thanh tra Chính phủ khẳng định có buông lỏng quản lý
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương ở Phú Quốc đã buông lỏng quản lý, bộc lộ hạn chế, yếu kém, không kiểm soát dẫn đến việc hình thành hàng trăm khu dân cư tự phát trên diện tích đất nông nghiệp hàng trăm hecta. Thậm chí có hàng trăm vụ mặc dù có lập biên bản vi phạm nhưng không ra quyết định xử phạt.
Tình trạng này, theo Thanh tra Chính phủ là vi phạm pháp luật, làm phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, do đó cần phải được xử lý nghiêm minh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-12
Kỳ tới: Dẹp băng nhóm tội phạm
Bình luận (0)