So với thế giới, trong khi tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay dự báo chỉ đạt 3%-4%, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trên 10%, tính đến hết tháng 11-2022.
Nhờ đâu xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được thành tích như vậy?
Thứ nhất, dù cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm do lạm phát gia tăng và các gói hỗ trợ bị thắt chặt nhưng các thị trường đối tác lớn vẫn có nhu cầu với hàng nhập khẩu Việt Nam. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng khá, kể cả hàng công nghiệp, ít nhất tính đến tháng 10-2022. Từ tháng 11, nhu cầu hàng nhập khẩu ở các thị trường có dấu hiệu giảm do kinh tế thế giới suy thoái, biểu hiện rõ nhất là đơn hàng xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam giảm rõ rệt, song ảnh hưởng không quá trầm trọng.
Thứ hai, Việt Nam được lợi về giá xuất khẩu khi mặt bằng giá cả tất cả các mặt hàng tăng lên và giá USD neo ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng phải nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu với giá cao, gây áp lực không nhỏ về nhập khẩu lạm phát, chi phí đẩy... Song, năm nay Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 10 tỉ USD, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu có hiệu quả, không tiềm ẩn những rủi ro quá lớn.
Dù vậy, chúng ta không nên quá say sưa với thành tích mà cần nhận diện rõ thêm những mặt hạn chế và tích cực cải thiện. Vẫn là những tồn tại từ lâu như khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện vẫn đóng góp đến 3/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam; khối doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất thô, nghiêng về số lượng hơn chất lượng...
Việt Nam được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xếp thứ 23 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu lớn trên thế giới. Xét riêng từng mặt hàng, Việt Nam có thể được coi là cường quốc xuất khẩu khi sản lượng xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới; xuất khẩu da giày, thủy sản đứng thứ 3 thế giới và xuất khẩu gạo có thời điểm số 1 thế giới.
Nhưng, để trở thành cường quốc xuất khẩu đúng nghĩa, tức không chỉ xuất khẩu lớn về số lượng mà còn phải đạt chất lượng cao, thu về giá trị gia tăng lớn, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương trong thu hút FDI, tăng cường chọn lọc dòng vốn chất lượng...
Năm 2023, dù các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp hơn 1,7%, Việt Nam vẫn có triển vọng lạc quan về xuất khẩu. Những tín hiệu mới nhất về tình hình địa chính trị cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể có diễn biến mới không quá tiêu cực trong khi Trung Quốc có khả năng nới lỏng các biện pháp phòng dịch và lạm phát toàn cầu kỳ vọng giảm sau khi chạm đỉnh... Tận dụng được những lợi thế này cùng với nền tảng tăng trưởng vững chắc hiện có, Việt Nam có thể tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của thế giới.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)