Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất đầu tư nâng cấp 5 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hạng đặc biệt đảm nhận vai trò bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngăn "chảy máu" 2 tỉ USD/năm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá cao về nguồn nhân lực tại 5 bệnh viện được đề xuất nâng cấp. Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai có tới 90% là bác sĩ nội trú. Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng là nơi thầy thuốc được cọ xát nhiều bệnh, nhiều ca khó nên nhiều kinh nghiệm.
"Tôi rất tự tin về chất lượng nguồn nhân lực của Bệnh viện Bạch Mai. Ở nhiều lĩnh vực như tim mạch, hồi sức cấp cứu, tiêu hóa..., nguồn nhân lực ở đây không thua kém các nước lân cận. Thậm chí, với một số kỹ thuật, chúng tôi còn thực hiện thành thạo, điêu luyện hơn" - PGS-TS Đào Xuân Cơ khẳng định.
Dẫn chứng cụ thể, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay với kỹ thuật đặt stent, khởi đầu chỉ một vài bác sĩ thực hiện được nhưng đến nay, Việt Nam đã có thể đào tạo ngược lại cho nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, bác sĩ nước ta cũng đã làm chủ được nhiều kỹ thuật y tế cao, chuyên sâu như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, kỹ thuật bệnh lý tim mạch...
"Tuy nhiên, hệ thống bệnh viện công vẫn còn thiếu mô hình "bệnh viện khách sạn" do thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và thiếu cơ chế, chính sách. Tôi rất tiếc khi một số bệnh viện tuyến trung ương chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân, dẫn đến tình trạng "chảy máu" ngoại tệ. Nhiều người chọn "xuất ngoại" chữa bệnh không phải vì trình độ bác sĩ trong nước không bảo đảm mà vì họ muốn tìm kiếm môi trường khám chữa bệnh không quá tải, cơ sở vật chất hiện đại, máy móc đồng bộ" - PGS-TS Đào Xuân Cơ phân tích.
Từ thực tế trên, bác sĩ Đào Xuân Cơ kiến nghị cần đầu tư đồng bộ để hiện thực hóa mục tiêu giữ chân người Việt khám chữa bệnh trong nước. Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ năm 2024 sẽ cho phép bệnh viện trong nước đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư và liên doanh, liên kết, hợp tác với bệnh viện, giáo sư, bác sĩ ở nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội để các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tất nhiên vẫn cần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, máy móc để đáp ứng nhu cầu điều trị chất lượng cao.
Trước đó, Bộ Y tế ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50.000 - 60.000 lượt người ra nước ngoài điều trị, làm "chảy máu" khoảng 2 tỉ USD. Chỉ cần giữ chân được số lượng này, ngành y tế sẽ có nguồn tài chính lớn để tái đầu tư.
Một ca ghép tim được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thực hiện thành công. Ảnh: QUANG NHẬT
Đẩy mạnh du lịch khám chữa bệnh
Nhiều năm nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã dành riêng một khu vực để khám, điều trị bệnh cho người nước ngoài. Mỗi năm, bệnh viện này ghi nhận hàng ngàn bệnh nhân là người nước ngoài và số lượng ngày một tăng. Trong đó, nhiều bệnh nhân đến từ những nước có nền y học phát triển hiện đại như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc... cùng các bệnh nhân ở khu vực đang phát triển.
Theo TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đang tập trung đầu tư hình thức khám chữa bệnh kết hợp với du lịch. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tập trung cung cấp dịch vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh trong cả nước, người nước ngoài và các đối tượng khác có yêu cầu trong phạm vi cả nước.
Hiện tại, các trung tâm và các khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đáp ứng nhu cầu của người có điều kiện chi trả viện phí, ngoại kiều, Việt kiều... Mô hình này vừa cung cấp dịch vụ chữa trị, tư vấn khám chữa bệnh định kỳ vừa trợ giúp bệnh nhân có nguyện vọng điều trị ở nước ngoài.
Trong đó, Khoa Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Chợ Rẫy được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như một khách sạn cao cấp, bao gồm máy nước nóng, máy điều hòa không khí, tủ lạnh, điện thoại, salon, bàn ăn, tivi và toilet riêng. Tại đây, bệnh nhân có thể tận hưởng không khí trong lành, thư giãn trong không gian yên tĩnh. Các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành sẽ trực tiếp theo dõi bệnh, chẩn đoán trong thời gian ngắn nhất.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc, cho biết mỗi năm Trung tâm Kiểm tra sức khỏe - Bệnh nghề nghiệp của bệnh viện đón hơn 18.000 khách hàng đến tầm soát, khám sức khỏe cá nhân và theo đoàn, khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp... Đáng chú ý, trung tâm đang phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh dịch vụ "Du lịch - chăm sóc sức khỏe" nhằm thu hút số lượng lớn du khách đến Huế có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng.
Dịch vụ chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG
Đủ năng lực thu hút khách
TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã nắm được thông tin ban đầu về việc Bộ Y tế đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện xứng tầm thành bệnh viện hiện đại ngang một số nước trong khu vực và quốc tế. Khi có nội dung triển khai chính thức, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ họp bàn và thực hiện.
Về năng lực hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt tuyến cuối thuộc trung ương, một trong những trung tâm y khoa hàng đầu của Việt Nam, một trong những bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh của cả nước và triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Với trên 12.726 kỹ thuật viên chuyên môn, bệnh viện có nhiều kỹ thuật đi đầu cả nước và các kỹ thuật mới lần đầu thực hiện tại Việt Nam, như: hệ thống gia tốc xạ trị VERSA HD, robot hỗ trợ phẫu thuật, tim mạch can thiệp...
Nhiều năm qua, một mặt đầu tư bằng tiền tích lũy, mặt khác tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có "bộ mặt" khang trang, bề thế; mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại như cộng hưởng từ, CT Scan, DSA, Spect, nội soi, Labo xét nghiệm... Qua đó, bệnh viện có thể chẩn đoán, điều trị sớm, kịp thời, hiệu quả; rút ngắn thời gian điều trị và đưa chất lượng chuyên môn ngang tầm với khu vực.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều kỹ thuật y học tiên tiến cũng đã được triển khai trong các lĩnh vực như ghép tạng, ghép tế bào gốc, tim mạch can thiệp, ung thư, đột quỵ, ghép mạch máu, phẫu thuật thần kinh... Theo BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cập nhật các kỹ thuật chuyên sâu cùng các phác đồ điều trị mới và ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo...
"Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, Bệnh viện Trung ương Huế quyết tâm trở thành trung tâm y học cao cấp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn bệnh viện khu vực Đông Nam Á và quốc tế" - bác sĩ Hương tin tưởng.
Đầu tư 4,42 tỉ đồng/giường bệnh chuyên khoa
Bộ Y tế cho hay cả nước có 34 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc bộ, trong đó có 11 bệnh viện đa khoa và 23 bệnh viện chuyên khoa. Ngoài ra, cả nước có 7 bệnh viện thuộc các trường đại học y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Tuyến tỉnh có 471 bệnh viện và khối tư nhân có 231 bệnh viện.
Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung 92.500 giường bệnh. Trong đó, bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung khoảng 8.700 giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương cần bổ sung trên 1.000 giường bệnh với suất đầu tư hơn 4,42 tỉ đồng/giường.
Bình luận (0)