Song chuyện thật trên mới xảy ra khi trong cuộc gặp mới đây với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã đề xuất xây lại phà Rạch Miễu để giải cứu cho cây cầu cùng tên này. Lý do, theo lãnh đạo Bến Tre, là để giảm tải áp lực cho cầu Rạch Miễu sau hơn 10 năm đưa vào hoạt động.
Theo vị lãnh đạo tỉnh Bến Tre, việc xây lại phà để giảm tải cho cầu Rạch Miễu còn là mong muốn của địa phương láng giềng là tỉnh Tiền Giang. Nói cách khác, mở lại phà để "giải cứu" cầu Rạch Miễu là một vấn đề cấp bách với cả hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang trong khi chờ đợi xây cầu Rạch Miễu 2. Chủ tịch tỉnh Bến Tre cũng nói rằng tỉnh này sẵn sàng ứng kinh phí cho chủ đầu tư và nếu không có nhà đầu tư nào làm thì tỉnh sẽ sử dụng ngân sách để làm lại phà Rạch Miễu với kinh phí dự trù khoảng 100 tỉ đồng.
Đề xuất mở lại phà vượt sông được đưa ra trong bối cảnh việc qua lại cầu Rạch Miễu đã trở thành nỗi quan ngại của mọi người. Cứ đến những khung giờ cao điểm trong ngày là các phương tiện qua cầu Rạch Miễu lại phải xếp hàng nhích từng chút một qua cây cầu mới được đưa vào sử dụng cách đây đúng 10 năm này. Thời gian để qua cầu Rạch Miễu giờ đây thậm chí còn lâu hơn là phải qua phà trước đây.
Nguyên nhân chính là cầu Rạch Miễu nằm trên tuyến đường huyết mạch nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có chiều ngang quá hẹp, với mặt cắt ngang cầu chỉ là 15 m đủ cho 2 làn ôtô qua lại. Vì thế, công suất thiết kế cho lưu lượng xe qua lại khoảng 5.000-6.000 lượt ôtô/ngày đêm đã không thể đáp ứng lưu lượng xe hiện lên tới khoảng 15.000 lượt xe/ngày đêm.
Việc cầu Rạch Miễu quá tải chỉ sau 10 năm đi vào hoạt động trở thành một điểm nghẽn không chỉ giao thông mà nhìn rộng ra là sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng khá rộng ở miền Tây cho thấy tầm nhìn quy hoạch quá ngắn. Một cây cầu với tuổi thọ tới cả trăm năm nhưng mới đưa vào khai thác được 10 năm đã trở thành một điểm ách tắc giao thông thì thật khó chấp nhận.
Đây cũng là một vấn đề nổi cộm trong quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng kinh tế - xã hội ở nước ta. Có thể thấy rất nhiều dự án hạ tầng trên cả nước, từ những con đường, cây cầu, bến xe, sân bay… cho tới trường học, bệnh viện, thậm chí cả khu đô thị đã trở nên quá tải chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tầm nhìn quy hoạch yếu thực sự là một điểm nghẽn phát triển.
Có thể có rất nhiều lý do đưa ra để giải thích cho một công trình, dự án hạ tầng bị quá tải không lâu sau khi vận hành. Một nguyên nhân quan trọng thường được viện dẫn là do kinh phí. Đây là một vấn đề nan giải, song cần thấy rằng kinh phí để sửa sai tầm nhìn quy hoạch còn tốn kém hơn gấp bội. Cứ giữ tư duy và tầm nhìn như dự án xây cầu Rạch Miễu thì sẽ còn phải tiếp tục đưa ra những đề xuất ngược trong tương lai.
Bình luận (0)