Sau cuộc họp ngày 8-10, Sở Xây dựng Hà Giang đã có báo cáo gửi tỉnh về kết quả cuộc họp liên ngành, gồm Sở Xây dựng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL); Sở Giao thông Vận tải; Sở Kế hoạch Đầu tư; Sở Tài nguyên Môi trường và huyện Mèo Vạc, về công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pí Lèng.
Sở Xây dựng Hà Giang kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 7 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng, nhà nghỉ Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15-11.
Còn chủ đầu tư là bà Vũ Thị Ánh cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày. Về xử lý vi phạm với chủ đầu tư là Vũ Thị Ánh, tỉnh cần tham khảo ý kiến Bộ VH-TT-DL, trước khi ra quyết định.
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pí Lèng có nhiều sai phạm
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng Hà Giang, việc xây dựng công trình Panorama là không đúng vì đất đai chưa chuyển đổi, các thủ tục còn thiếu.
"Chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh giữ lại phần nhà nằm sát đường, cải tạo để đảm bảo thân thiện với môi trường, còn toàn bộ phần công trình phía sau sẽ bỏ hết. Phần giữ lại sẽ đúng tính chất là điểm dừng chân như khuyến nghị của chuyên gia UNESCO, sẽ không có nơi ngủ nghỉ" - ông Hưng nói và cho biết đây mới là bước đề xuất của các sở ngành, còn tỉnh sẽ phải tham khảo ý kiến của Bộ VH-TT-DL trước khi đưa ra quyết định.
Về việc bà Ánh có được tiếp tục sở hữu công trình sau khi cải tạo không, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết đây là đất của bà Ánh, nếu UBND tỉnh đồng ý, các cơ quan sẽ thẩm định lại để hoàn thiện thủ tục cho phù hợp.
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama có vị trí đắc địa trên đèo Mã Pí Lèng, thu hút nhiều du khách
Cũng tại cuộc họp, đoàn kiểm tra liên ngành xác định công trình Panorama được xây dựng ngoài mốc giới di tích danh thắng Mã Pí Lèng, có kết cấu bê tông cốt thép kết hợp các sàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình. Mặt trước công trình gồm hai phần là tầng âm, tầng nổi sát mặt đất và 6 cấp xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp một tầng, trong đó cấp cuối cùng chủ đầu tư tận dụng làm gian kho, không sử dụng vào mục đích kinh qoanh.
Hiện, công trình đã hoàn thiện được 5 cấp. Phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và đơn nguyên cấp thứ 7 đang được hoàn thiện. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.
Các thành viên đoàn kiểm tra đã kiểm tra cụ thể vị trí xây dựng công trình trên cơ sở đối chiếu với bản đồ khoang vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Mã Pí Lèng.
Sở VH-TT-DL Hà Giang cho rằng công trình nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng.
Theo quy định của Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng vê duyệt, khu vực này hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công tình hạ tầng và xã hội thiết yếu. Tầng cao xây dựng từ 1 đến 3 tầng, mật độ xây dựng từ 15 đến 25%.
Khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng hồi tháng 11-2009. Danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Ngoài ra, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở nước ta..
Mã Pí Lèng còn được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Bình luận (0)