xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Di dời ngay nhà máy gây ô nhiễm

BẠCH HUY THANH

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông, các đô thị lớn cần có giải pháp khẩn cấp di dời nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

Từ sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, việc di dời cơ sở, nhà máy sản xuất sử dụng hóa chất độc hại ra khỏi khu vực nội đô trở thành vấn đề nóng được người dân quan tâm. Trong văn bản chỉ đạo ngày 9-9, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát, thống kê, lên phương án đẩy nhanh việc di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung.

Ì ạch di dời

Ngay tại Hà Nội, mặc dù Chính phủ, chính quyền TP đã có chủ trương, phương án di dời các nhà máy, KCN ra khỏi nội đô nhưng qua hàng chục năm, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Di dời ngay nhà máy gây ô nhiễm - Ảnh 1.

Một nhà máy tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP HCM xả khói đen ô nhiễm môi trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ đầu những năm 1990, sau khi quy hoạch chung được duyệt, TP Hà Nội đã đặt ra kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp (kể cả một số trường đại học) không phù hợp ra khỏi nội đô.

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề di dời cơ sở sản xuất tiếp tục được xác định. Tiếp đó, ngày 23-1-2015, Thủ tướng ký quyết định, giao UBND TP Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể. Quá trình lập phương án, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện để thúc đẩy việc di dời. Tuy nhiên, sau nhiều năm ròng rã, việc di dời các cơ sở này được đánh giá là rất chậm và ì ạch. Những cụm nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn phích nước, giày dép… vẫn tồn tại, hoạt động ngay giữa khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, trên địa bàn 12 quận, huyện của TP đang có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời. Trong số này, Sở TN-MT đề xuất các phương án di dời 26 cơ sở theo phương thức bắt buộc; 67 cơ sở đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102 ha; 27 cơ sở được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6 ha. Dù danh sách di dời đã được lập nhưng đến thời điểm hiện nay các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.

Lý giải về tiến độ xử lý, di dời chậm, UBND TP Hà Nội cho rằng do tâm lý doanh nghiệp (DN) không muốn di chuyển ra xa nội thành, năng lực tài chính của hầu hết các DN còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ tại nơi di chuyển đến. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng theo quy hoạch chung thủ đô được duyệt...

Không thể chậm trễ!

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi khu vực dân cư đã có từ lâu. Do đó, sau khi xảy ra vụ cháy Công ty Rạng Đông, bộ đã đề nghị UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho Công ty Rạng Đông chuyển địa điểm sản xuất. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã làm việc, đề nghị lãnh đạo Công ty Rạng Đông khẩn trương lập phương án di dời nhà máy.

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đánh giá nội thành Hà Nội còn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ sở lưu chứa và sử dụng hóa chất độc hại. Các cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong khu vực đông dân cư.

"Từ hậu quả của vụ cháy, Công ty Rạng Đông, TP Hà Nội cần nghiêm túc điều tra, đánh giá lại thật cụ thể, chính xác tất cả các hoạt động của các cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở nào có nguồn thải gây ô nhiễm, sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại… thì phải có giải pháp khẩn cấp đưa ra khỏi nội đô, nếu không khi xảy ra sự cố hậu quả sẽ khôn lường" - ông Đăng khuyến cáo.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội - cho rằng việc chậm trễ di dời các cơ sở gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ cao có một phần trách nhiệm của các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương, vì "đưa ra chủ trương nhưng lại không giám sát việc thực hiện".

Dẫn chứng việc Công ty Rạng Đông mặc dù đã có kế hoạch di dời lên Bắc Ninh từ cách đây nhiều năm nhưng vẫn ở yên một chỗ để rồi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề, ông Nghiêm kiến nghị: "Hà Nội phải kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất. Nếu DN vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để "giữ đất" thì phải có biện pháp xử lý nghiêm. Dứt khoát không để DN, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn PCCC, gây nguy hại trong khu dân cư".

TP HCM: Di dời cơ sở này, cơ sở khác mọc lên

Toàn TP HCM hiện có 188/504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm; 316 cơ sở đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, năm 2018 lại phát sinh 294 cơ sở sản xuất mới gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Theo Sở TN-MT TP HCM, mặc dù TP chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm được thực hiện từ năm 2002 thế nhưng quá trình di dời gặp không ít khó khăn do chưa kịp di dời cơ sở cũ thì cơ sở mới đã phát sinh. Nguyên nhân do các quy định trong thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh hiện nay không đòi hỏi phải có ý kiến của địa phương về nội dung bảo vệ môi trường cũng như quy hoạch ngành nghề, dẫn đến DN ô nhiễm dễ dàng hình thành và hoạt động trong khu dân cư, khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý.

Cũng theo sở này, để buộc DN ô nhiễm ngừng hoạt động ở công đoạn gây ô nhiễm thì biện pháp ngưng cung cấp điện là khả thi, hữu hiệu. Thế nhưng, Nghị định 155/CP của Chính phủ đã không còn quy định biện pháp này, dẫn đến khâu xử lý gặp nhiều trở ngại.

T.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo