Chỉ trong tháng 4-1978, quân Pol Pot đã sát hại 3.291 người dân vô tội thuộc các xã vùng ven biên giới và tàn phá nhiều nhà cửa, ruộng vườn. Tại Khu Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) hiện còn lưu giữ 1.157 bộ hài cốt minh chứng cho tội ác chiến tranh do Pol Pot gây ra.
Tội ác khó quên
Là một trong những nhân chứng sống sót sau đợt thảm sát, bà Trịnh Thị C (ngụ khóm Thạch Động, xã Mỹ Đức; nay là phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, Kiên Giang) cho biết đêm 13, rạng sáng 14-3-1978, bà cùng 3 con nhỏ trốn trong hầm tối phía sau nhà để lánh nạn. Lúc này, quân Pol Pot lùng sục khắp các ngõ ngách để tìm diệt. Chị gái bà là Trịnh Thị B. đã bị loạt đạn bắn xuyên người, chết tại chỗ. Đêm ấy, 134 người dân ở Mỹ Đức đã bị quân Pol Pot sát hại dã man.
Chợ Ba Chúc đã khang trang, sạch đẹp hơn sau hơn 40 năm bị Pol Pot tàn phá
Sáng hôm sau, vừa im tiếng súng, người thân mới dám mò tới kéo thi thể bà B. đem chôn cất. Rồi cả gia đình, dòng họ kéo nhau băng rừng, lội ruộng để trốn đi nơi khác bởi nhà cửa đều bị bắn phá tan hoang.
Còn ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), suốt từ tháng 4-1977 đến tháng 1-1979, người dân nơi đây hứng chịu bao nỗi đau đớn, tang thương. 3.157 người dân vô tội bị giết chết man rợ. Quân diệt chủng còn đốt phá, ném lưu đạn làm thiêu rụi hơn 4.000 căn nhà, chùa, miếu.
Phát triển du lịch lịch sử
Ông Võ Văn Phúc, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc, cho biết sau khi kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, người dân gạt nỗi đau để tập trung khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm của thị trấn về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu. Nơi đây đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Với vị trí là "điểm nút" về giao thương hàng hóa, Ba Chúc có đủ điều kiện để phát triển thương mại và kéo theo sự phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch nông nghiệp theo hình thức du lịch homestay tại thị trấn Ba Chúc. Du khách tham gia vào tuyến du lịch này sẽ được trải nghiệm cuộc sống của nông dân, thưởng thức đặc sản ẩm thực miền núi kết hợp ghé thăm một số làng nghề truyền thống của địa phương như Làng nghề làm bánh phồng mì, đan đệm bàng, làm tàu hũ…
"Mục tiêu trước mắt của địa phương là phát triển điểm du lịch Nhà mồ Ba Chúc trở thành nơi thu hút khách du lịch đến thăm viếng để hiểu hơn về sự mất mát, đau thương của chiến tranh" - ông Võ Văn Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, trong thời gian tới, địa phương sẽ nỗ lực nâng cấp Ba Chúc lên đô thị loại 4 để phát triển kinh tế, tập trung vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho thương mại và du lịch. Hiện các tuyến đường chính trong toàn thị trấn đã đầu tư khá đồng bộ theo hình thức xã hội hóa với sự đóng góp từ người dân.
Còn theo ông Võ Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Đức, sau 40 năm, Mỹ Đức từ 1 xã nghèo vùng biên đã phấn đấu lên đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2013. 1.005 đường hẻm, trục lộ chính đều đã được bê-tông hoặc nhựa hóa. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,76%, cận nghèo là 2,84%, hộ có mức sống trung bình đạt 5,72%, số còn lại đã vươn lên khá - giàu.
Mục tiêu phường Mỹ Đức đặt ra là khai thác tốt tiềm năng theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch. Trong đó, chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển các ngành nghề, lĩnh vực như khu kinh tế cửa khẩu, khai thác chợ vùng biên và quy hoạch khu biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, tranh thủ nguồn lực đầu tư để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng của người dân.
Bình luận (0)