Trong cái se lạnh của vùng cao biên giới miền Tây tỉnh Quảng Bình vào ngày giáp tết Nguyên đán Canh Tý, chúng tôi có chuyến "ngược núi" lên với đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa của huyện Minh Hóa đi chợ tết Y-Leng.
Độc đáo phiên chợ
Chợ phiên Y Leng diễn ra 6 lần trong một tháng. Trong đó, phiên họp chính vào các ngày 8,18,28 còn phiên chợ phụ vào các ngày 3,13 và 23 Âm lịch. Chợ chủ yếu bán các sản vật do chính người dân bản địa nơi đây làm ra, và các loại hàng hóa do thương lái vận chuyển từ dưới xuôi lên như quần áo, giày dép…Thịt chuột, mật ong, gấm, vải vóc hay các thực phẩm như rau, củ quả được lấy từ rừng tạo nên không gian sặc sỡ ngày tết.
Dân bản đi phiên chợ Tết Y-Leng đông đúc và nhộn nhịp
Sáng sớm tinh mơ, người dân từ khắp các bản, làng xa xôi diện những bộ đồ đẹp nhất đổ về chợ bằng xe máy hoặc đi bộ để kịp sắm tết, gặp bạn bè thân hữu khiến không khí rộn ràng, tấp nập.
Phiên chợ tết Y Leng năm nay khác với ngày thường, khi số người mua kẻ bán tăng lên gấp bội, được tổ chức từ lúc trời còn chưa sáng rõ mặt người đến xế chiều mới tan. Người đến mua bán ở chợ chủ yếu là người Mày, Chứt, Khùa và một số ít người Kinh lên đây làm ăn sinh sống.
Đọt mây được bày bán tại phiên chợ Tết Y-Leng
Anh Hồ Phom (37 tuổi, ngụ bản Ông Tú, xã Trọng Hoá) - cho biết nhà anh cách xa chợ hơn 10km nên phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để đi chợ, kẻo người ở các bản khác đổ về chen chúc rất mệt.
"Đi chợ tết vui lắm nên năm nào mình cũng đi và đi thật sớm để chọn mua đồ cho ưng ý, gặp bà con, bạn bè để hàn huyên tâm sự. Vừa rồi mình có hái ít rau, bắt ít chuột rừng về cho vợ bán. Mới bày ra có tí mà người mua hết hàng nên giờ đi sắm vải, mua quần áo với thịt heo cho kịp ăn tết" - anh Phom háo hức.
Măng rừng là một trong những món ăn quen thuộc của đồng bào vùng cao Minh Hoá.
Là chợ vùng cao nên họp chợ cũng rất đơn giản nhưng rất ngăn nấp trật tự. Các mặt hàng như quần áo, giầy dép, áo váy, đồ điện máy… được bố trí bán trong đình chợ. Còn những mặt hàng nông sản do bà con sản xuất được bày bán trên những tấm bạt đơn sơ để người dân và du khách thập phương lựa chọn dễ dàng.
Chị Đinh Thị Vương, một tiểu thương từ thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) lên bán chợ tết cho biết: "Chợ tết Y Leng không có năm nào là mình không đi cả. Vì đi cũng bán được hàng, bà con mua sắm nhiều. Hơn nữa chợ này vui lắm, người dân ở đây rất thật, họ bán nhiều mặt hàng đặc sản mua về dùng tết rất thích…"
Phiên chợ se duyên
Chợ phiên cuối năm không chỉ để mua sắm, trao đổi hàng hóa mà với người dân vùng cao là nơi "ưng cái bụng" tìm ý trung nhân. Các chàng trai đến đây tìm bạn kết duyên, nếu gặp được cô gái ưng ý thì sẽ dùng tiếng khèn bè bày tỏ tình yêu.
Ngoài bán các sản vật, nhu yếu phẩm thì chợ còn là nơi gặp gỡ, se duyên cho các đôi trai gái
Anh Hồ Pơn, người dân tộc Khùa nói hôm nay 2 vợ chồng đi chợ Y-Leng không những mua sắm tết mà còn ôn lại kỷ niệm ngày đầu gặp gỡ. Theo lời anh Pơn, 3 năm trước anh cùng nhóm bạn đi chợ để kết bạn thì tình cờ gặp vợ anh hôm nay. Qua mấy câu trêu ghẹo nhau, anh và chị đã đi đến kết bạn. Sau 2 tháng thì họ mổ heo, đánh trống xập xình làm đám cưới theo phong tục dân bản.
"Cả năm quanh quẩn nơi nương rẫy, cuối năm vợ chồng mình tranh thủ đi chợ phiên sắm tết. Đến đây vui cái bụng lắm, đi chợ phiên cũng giúp tình cảm vợ chồng bọn mình khắng khít thêm" – anh Pơn nói.
Nhiều sản vật của đồng bào các tộc người Khùa, Mày, Chứt tự tay làm rất hấp dẫn được bà con đem bán chợ tết
Ông Cao Xuân Khiêm, Trưởng bản K - Ai, xã Dân Hóa, kể nhờ có phiên chợ Y-Leng mà nhiều đôi trai, gái trong bản đã rước được dâu hiền, rể thảo từ nơi bản khác về. Dân bản ngày một nâng cao nhận thức và đã xóa bỏ dần nhiều hủ tục về đời sống cũng như tâm linh.
"Năm nay bản mình ăn tết vui lắm! Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm nên bà con không phải lo cơm gạo vào những ngày tết như trước nữa. Lợn gà cũng tự nuôi được rồi nên mổ ăn tết thôi. Đi chợ là để mua quần áo mới và bán vài thứ rau củ quả của nhà làm ra nữa".
Phiên chợ Y- Leng đã khắc sâu trong tâm trí, cuộc đời của người dân vùng cao Minh Hóa. Cứ đến phiên họp chợ, không ai bảo ai, người già – người trẻ háo hức mong chờ đến họp phiên để có một niềm vui kết bạn, kết tình se duyên.
Không đi chợ Y-Leng là mất Tết
Ông Cao Xuân Khiêm, Trưởng bản K - Ai, cho biết phiên chợ Y-Leng không biết có từ thuở nào, chỉ biết khi ông lớn lên đã thấy chợ, sầm uất và vui nhất là vào dịp Tết. Đi chợ tết sẽ thấy được nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu giữ qua bao đời nay. Đặc biệt cảm nhận không khí xuân đang về từng ngõ ngách, từng bản làng thật ấm cúng đầy niềm tin, hi vọng. Không đi chợ Y-Leng xem như mất tết.
Bình luận (0)