Sáng 14-5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP HCM về công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Tại buổi làm việc, ông Tiến nhấn mạnh virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao nên phải tăng cường biện pháp an toàn sinh học, quản lý giết mổ, không cho vận chuyển giết mổ tràn lan.
Đề nghị điều tra việc vứt heo bệnh tràn lan
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết đến thời điểm này, TP HCM vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, TP có gần 4.000 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, với tổng đàn hơn 274.000 con heo, trong đó, đáng chú ý là có 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa ở các nhà hàng, quán ăn nên có nguy cơ về dịch bệnh.
Vệ sinh chuồng trại, khử trùng heo nuôi để phòng chống dịch ở Đồng Nai Ảnh : XUÂN HOÀNG
TP HCM có 5 huyện chăn nuôi cần phải giám sát, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Bộ NN-PTNT sẽ thành lập 5 trạm kiểm dịch quốc gia để kiểm tra dịch bệnh từng vùng. Theo ông Trung, TP HCM đã tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt kiểm soát ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và các đầu mối giao thông. Ngoài ra, còn tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các điểm vào nội thành, điểm giết mổ, lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên. Trong khi khu vực Đồng Nai, Bình Phước và hiện nay có thêm Hậu Giang đã xảy ra nhiều ổ dịch tả heo châu Phi. Do đó, nguy cơ lây nhiễm vào TP HCM là rất cao.
Cục Thú y cũng cảnh báo nhiều nơi, công tác nắm bắt, điều tra, phát hiện và xử lý ổ dịch đang nảy sinh nhiều bất cập. Một số địa phương chậm công bố dịch; có tình trạng người dân bán chạy heo, vứt heo chết ra ngoài môi trường ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng. Trước thực trạng gần đây, một số địa phương xuất hiện heo nghi nhiễm dịch tả heo châu Phi bị vứt tràn lan ra môi trường, không tiêu hủy đúng cách, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đã trực tiếp đi kiểm tra việc này tại tỉnh Bắc Giang. Ông Tiến thừa nhận có hiện tượng trên nhưng có trường hợp không phải heo ở địa phương đó mà là từ nơi khác trôi dạt về. Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, chưa có vắc-xin phòng ngừa, nên không thể một sớm một chiều mà dập tắt. "Thời gian tới, phải xử lý một số trường hợp điển hình để làm gương, quyết liệt hơn chứ không để tình trạng như vậy. Bộ NN-PTNT cũng sẽ đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xử lý các trường hợp vứt heo bệnh ra môi trường. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ" - ông Tiến bày tỏ.
Cấp đông để dự trữ
Theo ông Nguyễn Phước Trung, TP HCM có 11 cơ sở giết mổ heo, mỗi đêm giết mổ từ 6.500-7.000 con. Nguồn heo nhập về TP HCM chủ yếu từ Đồng Nai chiếm 46,41%, Bình Dương 19,03%, Bình Thuận 10,88%, Bà Rịa - Vũng Tàu 8,01%.
Đồng Nai là "thủ phủ" chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, nằm bên cạnh TP HCM nhưng đã xảy ra dịch bệnh. Trường hợp, tỉnh Đồng Nai "thất thủ" thì nguy cơ thiếu thịt heo trên thị trường là rất lớn. Đối với TP HCM, quy mô chăn nuôi không lớn nhưng lượng tiêu thụ rất lớn. Hiện Cục Chăn nuôi đang xin ý kiến Bộ NN-PTNT hỗ trợ thêm chi phí cho doanh nghiệp mua thịt heo trong giai đoạn này để cấp đông nhằm bảo đảm bình ổn thị trường. Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đưa ra biện pháp ngoài việc phòng chống nên "cắt" điều kiện để dịch lây nhiễm bằng cách tổ chức giết mổ heo trước khi dịch xảy ra để có nguồn thịt heo dự trữ.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), bệnh dịch xảy ra ở các tỉnh phía Nam sẽ kéo theo sức mua giảm. Nếu doanh nghiệp giết mổ heo để cấp đông dự trữ cũng chỉ thực hiện được thời gian ngắn. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng hiện nay cấp đông sẽ tốn chi phí rất lớn nên cần chính sách hỗ trợ. Người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt nóng, trong khi thịt mát chưa được tiêu thụ nhiều. Do đó, khi cấp đông số lượng lớn thì nhà nước cần phải tuyên truyền người dân sử dụng thịt đông, thịt mát.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kế hoạch dự trữ thịt heo để bảo đảm cung ứng ra thị trường 106,5 tấn thịt heo/ngày. Sau dịch bệnh này, Sở NN-PTNT cần tập trung tái cơ cấu đàn, không nên cho chăn nuôi nhỏ lẻ mà hướng tới an toàn sinh học.
Hậu Giang xuất hiện 2 ổ dịch
Ngày 14-5, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết vừa phát hiện và xử lý 2 điểm chăn nuôi gia đình (tại huyện Châu Thành A và Vị Thủy) dương tính với dịch tả heo châu Phi. Như vậy đến nay, tại ĐBSCL, Hậu Giang là địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng ngay sau khi phát hiện, sở đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp các ngành liên quan tiến hành dập dịch, phun xịt khử trùng tránh lây lan. Song song đó, thành lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển động vật ngoài tỉnh vào Hậu Giang để phòng ngừa gia súc không rõ nguồn gốc nhiễm bệnh xâm nhập địa phương.
Tại Nghệ An, chỉ trong đầu và giữa tháng 5-2019, trên địa bàn huyện Diễn Châu xảy ra 7 ổ dịch tả heo châu Phi tại 7 xã: Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Thái, Diễn Trường, Diễn Mỹ, Diễn Quảng và Diễn Bích. Trước đó, tại Nghệ An, dịch tả heo châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương như huyện Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Đô Lương, Nam Đàn... khiến địa phương này phải tiêu hủy hàng ngàn con heo mắc bệnh.
S.Anh- Đ.Ngọc
Bình luận (0)