Giống như bất cứ trẻ câm điếc bẩm sinh nào khác, anh Đỗ Hoàng Thái Anh (sinh năm 1985), Phó Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội, đã gặp phải rất nhiều rào cản nặng nề cũng như sự thiếu sẻ chia từ cộng đồng trong quá trình học tập và trưởng thành.
Cha mẹ là người truyền cảm hứng
Thông qua phiên dịch viên ngôn ngữ ký tự, Thái Anh kể hồi nhỏ, anh đi học phát âm tại trường học dành cho trẻ bình thường. Khi đó, quan điểm của các thầy cô giáo là bắt trẻ câm điếc phải… nghe nói được. Bởi vậy, thầy cô dạy theo phương pháp viết câu trên bảng, học sinh ngồi chép từng câu vào vở và hoàn toàn không hiểu ngữ nghĩa.
"Lúc đấy, trí tuệ không phát triển được, tôi cứ viết theo như vẹt thôi, không hiểu con chữ có nghĩa gì. Cha mẹ của trẻ khiếm thính thường vẫn luôn kỳ vọng một ngày con họ có thể sẽ nghe, nói được như người bình thường. Chính vì kỳ vọng đó mà họ không chấp nhận giao tiếp với con bằng ngôn ngữ ký tự, họ ép con phải nghe bằng cách đeo máy nghe hoặc phẫu thuật. Thực sự đó là những áp lực nặng nề"- Thái Anh chia sẻ.
Nhưng, Đỗ Hoàng Thái Anh dù sao vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác, bởi mẹ anh đã luôn bằng lòng và chấp nhận con người "khiếm khuyết" của anh, luôn chia sẻ, động viên anh tiến lên. "Hồi nhỏ, tôi chỉ có ngôn ngữ tự phát do mình tự nghĩ ra và trao đổi với mẹ qua ngôn ngữ đó. Hàng ngày, mẹ hỏi tôi ăn món gì và tôi ra ký hiệu cho mẹ hiểu. Khi xem ti vi, mẹ giải thích lại bằng ký hiệu để tôi tiếp nhận thông tin. Mẹ lúc nào cũng động viên và tâm sự mọi điều với tôi"- Thái Anh kể.
Cũng nhờ có mẹ mà anh có thể tự tin lớn lên và đến năm 16 tuổi, anh bắt đầu tham gia vào cộng đồng người khiếm thính. Lúc đó, anh mới nhận thấy ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng khác rất nhiều so với ngôn ngữ tự phát của mình. Từ đấy, anh lại phải mày mò tiếp cận lại với ngôn ngữ ký tự một cách bài bản để có thể bắt đầu những công việc nuôi sống bản thân. "Tôi có một thời lao động vất vả, từ cắt may quần áo đến bê vác đồ. Dần dần mới được chọn làm giảng viên cho các dự án đào tạo ngôn ngữ ký tự. Chịu khó một thời gian thì cuộc sống cũng khá hơn"- anh tâm sự.
Đỗ Hoàng Thái Anh (bìa phải) với ký hiệu bày tỏ tình cảm yêu mến
Nhưng ước mơ của anh không dừng lại ở đó mà muốn cống hiến nhiều hơn nữa để được thể hiện con người mình với xã hội. Thái Anh kể chính cha anh với những việc mà ông làm được đã truyền rất nhiều cảm hứng cho anh vươn lên. "Với mọi việc, bố thường bảo con tự làm đi, lớn rồi. Hình ảnh đậm nét nhất về bố in sâu vào đầu tôi là một người đàn ông giỏi giang trong công việc, biết chăm lo cho gia đình. Ông là giám đốc của một công ty. Hồi nhỏ, tôi từng nghĩ rằng bố đẻ mình ra nên não bố và não con hẳn cũng như nhau. Bố thành đạt thì mình cũng thành đạt được. Chỉ có điều mình không nghe, nói được thì có thể bù đắp bằng ngôn ngữ ký tự"- Thái Anh kể về động lực khiến anh vươn lên không ngừng.
Mang âm thanh cho người khiếm thính
Dù nuôi khát khao cống hiến nhưng mọi chuyện không phải dễ dàng đối với những người khiếm thính như Thái Anh. Nếu không có cơ hội tham gia "Hội trại thanh niên điếc thế giới" tổ chức tại Hàn Quốc năm 2013 và trải nghiệm những dịch vụ xã hội dành cho người điếc ở quốc gia này, hẳn Đỗ Hoàng Thái Anh chỉ dừng lại với công việc làm giảng viên ngôn ngữ ký tự.
Đỗ Hoàng Thái Anh (thứ 2 từ phải sang) trong lễ ra mắt Dịch vụ Tổng đài Phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu qua video - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại hội trại, anh được tiếp xúc với phương pháp phiên dịch từ xa hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp với xã hội thông qua kết nối video call trên thiết bị máy tính. Từ đó, anh ấp ủ thực hiện dịch vụ tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu qua video tại Việt Nam.
Anh cho biết những người khiếm thính, khiếm thị tại Hàn Quốc được hỗ trợ tiếp cận giáo dục, tiếp cận công trình công cộng thông qua đội ngũ thông dịch viên trực tiếp hoặc online. Từ đó, họ được học hành, được đào tạo trở thành kỹ sư, bác sĩ… Trong khi đó, ở Việt Nam, hầu hết người khuyết tật không được học hành nhiều và chỉ làm những công việc thủ công với mức thu nhập không cao. Mong muốn của Thái Anh là làm sao có thể xây dựng được dịch vụ cung ứng đội ngũ thông dịch viên giúp người khiếm thính có thể giao tiếp với xã hội, học tập, làm việc, cống hiến như một người bình thường. "Người khiếm thính không giao tiếp được với xã hội nên bị hiểu nhầm là họ không tư duy được như người bình thường, không biết tiềm năng của họ thực sự đến đâu. Đây là điều rất đáng tiếc"- Thái Anh bày tỏ.
Ý tưởng của anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Hàn Quốc. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng gắn camera và kết nối internet, người điếc sẽ giao tiếp dễ dàng hơn nhờ một phiên dịch viên trực tuyến. Qua video, phiên dịch viên sẽ dịch ngôn ngữ ký hiệu ra tiếng nói, và ngược lại.
Dự kiến, mức phí sử dụng dịch vụ phiên dịch dành cho người điếc qua hệ thống online là từ 200.000-300.000 đồng/tháng. Bài toán chi phí trong thời gian đầu vận hành công ty là không dễ giải quyết bởi chưa thu hút được khách hàng. Nhưng trong tương lai, khi cộng đồng quan tâm đúng cách hơn đến người khiếm thính và bản thân mỗi người có nhiều nhu cầu giao tiếp để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, Thái Anh tin tưởng hoạt động của công ty sẽ thuận lợi hơn.
Hiện tại, Đỗ Hoàng Thái Anh phải tự đi đến từng gia đình những người khiếm thính để giới thiệu cho họ về dịch vụ của anh. Khó khăn nhất là thuyết phục người thân chịu giao tiếp với người khiếm thính qua dịch vụ này.
"Người khiếm thính vô cùng cô độc khi không nói chuyện được với chính cha mẹ mình. Họ kể trong những bữa ăn, cả gia đình nói chuyện vui vẻ mà không quan tâm đến họ khiến họ cảm thấy mình như người thừa. Mỗi người khiếm thính là một thế giới riêng biệt, họ cảm thấy tự ti hơn khi không tương tác, chia sẻ được với người khác. Tôi hiểu rằng họ chắc chắn sẽ cần đến những dịch vụ giúp họ có thể giao tiếp được"- anh Thái Anh nói.
Chia sẻ thêm về dự án của mình, Đỗ Hoàng Thái Anh cho biết công ty ban đầu sẽ hoạt động ở Hà Nội rồi nhân rộng tới các địa phương khác. Bản thân anh hiện đang làm điều phối viên của trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu. Từ đây, anh sẽ xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động phiên dịch trực tuyến.
Bình luận (0)