Liên quan đến vấn đề đầu tư các công trình giao thông tại tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đang tập trung xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, cắt giảm nhiều công trình không quan trọng.
Theo đó, Bình Dương đang triển khai hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 13, cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4. Trong đó, cao tốc Vành đai 3 đã khởi công; Vành đai 4 đã được HĐND thông qua phê duyệt dự án, đang triển khai gói bồi thường, dự kiến quý I năm 2024 sẽ khởi công.
Đối với cao tốc TP HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để báo cáo Thủ tướng. Dự kiến sẽ khởi công năm 2024.
Ông Võ Văn Minh và lãnh đạo TP Thủ Đức đi khảo sát thực địa tại một số vị trí kết nối giữa Bình Dương và TP Thủ Đức
Một số tuyến đường trọng điểm khác như ĐT746, đường cầu Bạch Đằng 2 và nhiều dự án khác cũng đang làm. Các công trình đã có dự án, tỉnh sẽ ưu tiên đủ vốn để thực hiện xây dựng mang tính chất liên tỉnh, liên huyện.
Ông Võ Văn Minh cũng cho biết Bình Dương từng bước sẽ làm đường ven sông Sài Gòn. Trong đó, ưu tiên cầu Bình Gởi thuộc Vành đai 3 nối về cầu Bà Lụa, TP Thủ Dầu Một; sau đó nối về hạ lưu TP Thuận An.
Các tuyến đường ĐT742 hướng về ngã 3 Cổng Xanh (đi Bình Phước) đã có trong danh mục chuẩn bị đầu tư, tỉnh sẽ bố trí thời điểm hợp lý, cũng như nguồn vốn đầu tư
"Tinh thần sẽ ưu tiên các công trình này, các nút thắt giao thông đều được quan tâm. Đoạn 350 m đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn cuối kết nối ra Xa Lộ Hà Nội và trục chính Đông Tây - Dĩ An nối ra Xa Lộ Hà Nội cũng đang thực hiện dự án"- ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Dự án Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương đã khởi công
Ngoài ra, Bình Dương cũng đang xây dựng dự án nút giao Sóng Thần (phường An Bình, TP Dĩ An). Dự án này dự kiến có tổng vốn đầu tư theo đề xuất hơn 3.800 tỉ đồng, riêng chi phí giải phóng mặt bằng 2.408 tỉ đồng (TP HCM 471 tỉ đồng, Bình Dương 1.937 tỉ đồng), có khoảng 144 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 116 hộ giải tỏa trắng.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường An Bình có chiều dài 1,36km (bao gồm tỉnh Bình Dương và TP HCM), đối với phần đường thuộc tỉnh Bình Dương có chiều dài 1,08km, tổng mức đầu tư đề xuất là 1.693 tỉ đồng, trong đó phần mức đầu tư của tỉnh Bình Dương là 1.501 tỉ đồng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 170 hộ, trong đó 102 hộ bị giải tỏa trắng.
Trước đó, cầu vượt ngã tư 550 - đường ĐT743 cũng được đưa vào sử dụng. Công trình với kinh phí đầu tư hơn 140 tỉ đồng, có tổng chiều dài 203 m, rộng 16 m. Đây là cầu vượt thép đầu tiên ở Bình Dương, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm ở khu vực này.
Bình luận (0)