Ông Nguyễn Hoàng Việt (ngụ đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM) ví sự tồn tại của 2 bãi giữ ôtô trá hình tại địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh - đối diện Bến xe Miền Đông (BXMĐ), thực sự đã trở thành "hang ổ", như cái gai cắm thẳng vào mắt ông và mọi người.
Thách thức dư luận
"Họ hoạt động như một bến xe chính thức ngay giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề hấn gì gần chục năm qua thì hỏi sao không tức mắt" - ông Việt bức xúc nói.
Theo tài liệu chúng tôi có được, 2 bãi giữ ôtô trên thuộc hộ kinh doanh Phan Thị Minh Trang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, cho thuê ôtô, dịch vụ giữ ôtô. Thế nhưng, trong suốt gần 1 tuần quan sát, chúng tôi ghi nhận 2 bãi giữ xe trên hoạt động như một bến xe thực thụ. Đơn cử, chiều 26-3, chỉ hơn 2 giờ quan sát, chúng tôi đã chứng kiến cảnh cả chục xe khách ra vào đón - trả khách. Đáng nói, theo người dân xung quanh, từ ngày BXMĐ mới đi vào hoạt động thì 2 bến cóc này còn hoạt động rầm rộ hơn BXMĐ đối diện. Ở 2 bến xe trá hình này, ngoài cổng luôn có người đứng canh gác và mỗi khi xe cua vào bên trong thì cổng nhanh chóng được đóng lại hòng tránh sự chú ý từ bên ngoài. Đặc biệt, nếu người mang vác ba-lô lỉnh kỉnh vào thì người của bãi giữ xe không hỏi thăm, còn đối với ai không mang vác ba-lô, hàng hóa thì lập tức bị chặn lại.
Hai bãi giữ xe tại địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh bị “hô biến” thành bến xe, khiến dư luận bức xúc Ảnh: PHONG LÊ
Chiều 26-3, chúng tôi nhận thấy bên trong bãi giữ xe trá hình chỉ có không quá 10 xe tải đậu, số còn lại toàn là xe khách giường nằm.
Để xác tín rõ hơn việc hoạt động trá hình, trong vai người có nhu cầu thuê bãi xe để làm điểm đón trả khách cho tuyến cố định, chúng tôi gọi vào số điện thoại được in trước cổng ra vào bãi xe trên. Đầu dây bên kia, người xưng là Trọng, lập tức vào thẳng vấn đề: "Bãi xe giờ rất ít chỗ trống đậu xe, muốn vào đây hoạt động giá thuê sẽ tăng hơn năm ngoái nên giá 9 triệu đồng/tháng. Nhưng tôi dặn trước không bán vé, xé vé cho khách ở bên trong bến". Người đàn ông tên Trọng khẳng định mức giá trên là không hề cao bởi bây giờ rất nhiều nhà xe đang muốn vào bãi giữ xe trên hoạt động (!).
Ngoài 2 bãi giữ ôtô bị biến hình thành bến xe không phép, ở quận Bình Thạnh, người dân còn ám ảnh với bến cóc tồn tại như trêu ngươi ở đường Điện Biên Phủ (đoạn gần Khu Du lịch Văn Thánh). Chỉ một đoạn ngắn trên đường Điện Biên Phủ có đến hơn 10 hãng xe đặt văn phòng giao dịch tại đây. "Nói là văn phòng nhưng đây cũng là điểm đón, trả khách" - ông Nguyễn Thanh Trường, cán bộ hưu trí sống gần Khu Du lịch Văn Thánh, khẳng định.
Tung hoành giữa khu trung tâm
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, địa phương có điểm đón, trả khách núp bóng xe hợp đồng nhiều nhất TP thuộc về quận 5 với gần 50 địa điểm. Hai khu vực được cho là "thủ phủ" của các hãng xe khách núp bóng xe hợp đồng là đường Tản Đà và các trục đường xung quanh Công viên Hòa Bình (phường 9, quận 5).
Theo ghi nhận, một đoàn trên đường Tản Đà chỉ 300 m nhưng có đến 6 hãng xe vây kín. Hoạt động đón - trả khách diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Dù khi chúng tôi thử làm quen thì những người này đều nói là khách đơn lẻ. Thế nhưng, khi lên xe, họ là người quen đi chung đoàn! Đáng nói, các hãng xe trên nằm cận kề trụ sở cơ quan chính quyền quận 5.
Trục đường Tản Đà, quận 5, TP HCM có hàng loạt hãng xe chở khách núp bóng xe hợp đồng hoạt động rầm rộ, gây cản trở giao thông Ảnh: PHONG LÊ
Ở "thủ phủ" thứ 2, các đường bao quanh Công viên Hòa Bình, cũng có khoảng 4 hãng xe khách núp bóng hợp đồng hoạt động. Hoạt động đón trả, khách của các hãng xe này đã góp phần đẩy con đường Sư Vạn Hạnh thường bị ùn tắc. Đặc biệt, hãng xe khách M.T chạy tuyến Bến Tre chiếm dụng cả khu nội bộ của của chung cư Sư Vạn Hạnh làm điểm tập kết hàng và đón, trả khách.
Trong khi đó, tại đường Võ Văn Kiệt (đoạn thuộc quận 5) ,bến cóc hình thành ngay giữa làn xe hai bánh. Từ sáng đến tối, đoạn đường trước khu vui chơi Đại Thế Giới là nơi đón - trả khách của hãng xe Thành Bưởi. Ở đây, bất cứ lúc nào, ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng chục hành khách đứng bên lề đường chờ xe.
Nhắc đến xe dù bến cóc thì không thể không kể đến quận 10 với tâm điểm là con đường Lê Hồng Phong (nối 2 quận 5 và 10). Ở con đường này, mặc dù có bảng cấm xe trên 25 chỗ ngồi đi vào khung giờ từ 6-22 giờ nhưng nơi đây lúc nào cũng có hàng chục xe giường nằm vô tư đi lại. Điều đặc biệt, trên tuyến đường này lại là nơi đặt trụ sở làm việc của Thanh tra Giao thông (Sở GTVT TP HCM) và các hãng xe bao quanh hai bên đường. Trưa 29-3, phóng viên chứng kiến cảnh hàng chục hành khách leo lên xe Thành Bưởi và nhân viên đứng ra chặn các phương tiện để tạo điều kiện xe lăn bánh dễ dàng. Lúc này, có một nhóm người mặc quần áo thanh tra giao thông rời nơi làm việc để ăn trưa và dường như không quan tâm mọi thứ đang diễn ra (!?).
Náo loạn trên Quốc lộ
Không thua nội thành, tối 28-3, ghi nhận trên Quốc lộ 1 (đoạn trước cổng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, TP Thủ Đức), xe dù tung hoành ở cả hai bên đường khiến tình hình giao thông trở nên hỗn tạp. Ở hướng giao thông ra khỏi TP, 2 xe khách 45 chỗ, chạy tuyến TP HCM - Ninh Thuận - Khánh Hòa, đậu trên đường hơn 30 phút để chờ đón khách, bất chấp làm rối loạn giao thông. Khách và nhà xe thoải mái đứng dưới đường để thương lượng giá vé. Nhiều người đưa thân nhân đến đón xe, bất chấp nguy hiểm chạy ngược chiều để tìm đường… thoát. Bị chiếm chỗ dừng, những chiếc xe khách đến sau không cần tấp vào lề mà bật xi-nhan, đón khách ngay trên làn đường ôtô. Cùng thời điểm tại khu vực này, ở hướng giao thông vào TP, nhiều xe khách liều lĩnh dừng, đậu ở làn đường dành cho xe 2 bánh để trả khách.
Theo quan sát, khu vực trước cổng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM thực sự đã trở thành "bến xe mini". Rất nhiều xe khách chạy tuyến Nam - Bắc, TP HCM - Tây Nguyên đều ghé đến đón - trả khách. Đáng nói, nhiều xe chạy tuyến TP HCM đi các tỉnh Miền Tây cũng… ngược dòng tìm đến. Thực trạng này khiến hai bên quốc lộ luôn trong cảnh náo loạn, trong khi đó, lượng xe container và xe tải lưu thông qua đây rất lớn, khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập.
Cũng trên Quốc lộ 1, hoạt động rầm rộ của bến cóc dưới chân cầu bộ hành trước Khu Du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức) lâu nay luôn là nỗi bức xúc của người dân. Không chỉ xe "mồ côi", chất lượng kém mà nhiều xe có thương hiệu cũng đón - trả khách tại đây. Đáng nói là sau nhiều lần ra quân xử lý, xe dù và bến cóc vẫn "qua mặt" cơ quan chức năng. Cũng do lượng người đổ về đông, không được quản lý, kiểm soát khiến tình hình an ninh trật tự ở khu vực bến cóc này trở nên hết sức phức tạp khi các đối tượng trộm cắp, móc túi, lừa đảo trà trộn.
Đêm rầm rộ, ban ngày thì xe dù cũng bát nháo không kém. Sáng 29-3, ghi nhận trên Quốc lộ 1 đoạn gần cổng KCX Linh Trung (TP Thủ Đức), nhiều xe khách lưu thông đến đây tự động tấp vào lề để đón - trả, chèo kéo khách. Theo người dân địa phương, xe dù qua đây hoạt động ngày này qua ngày khác; rầm rộ nhất là lễ, Tết. Cũng trên Quốc lộ 1 khu vực gần ngã tư Bình Phước và cây xăng Tam Bình 2 (TP Thủ Đức), từ lâu đã trở thành điểm đón - trả khách, xếp dỡ hàng hóa của nhiều hãng xe khách liên tỉnh. Cách vài phút lại có xe tấp vào, bất chấp nguy cơ ùn ứ, gây tai nạn cho dòng phương tiện cùng lưu thông.
Bến xe Miền Đông mới bị "hớt tay trên"!
Theo quy định, từ ngày 13-3, tất cả xe ở 22 tuyến hoạt động với cự ly 1.100 km, từ Quảng Trị ra Bắc, phải đón khách ở BXMĐ mới. Tuy nhiên, hơn 1 tuần chuyển qua hoạt động cố định, bến mới mỗi ngày đón vài chục khách. "Tuần trước, hơn 360 khách đi từ bến xe này, trong đó cao nhất hôm thứ bảy (20-3) gần 90 khách" - đại diện BXMĐ mới thông tin.
Ghi nhận chiều 23-3, sảnh chờ ở bến xe mới rộng rãi, với 4 dãy ghế nhưng chỉ lèo tèo vài khách ngồi. Màn hình treo trên các quầy vé thông tin hành trình các chuyến đi nhưng hầu như không khách đến hỏi. Vì không có khách nên hệ thống thang cuốn không hoạt động. Tương tự, khu vực bãi đậu xe rộng lớn cũng vắng lặng với chỉ chưa đầy 30 xe khách, xe buýt. Dù vắng khách nhưng bến xe vẫn phải duy trì nhiều bộ phận gồm nhân viên điều hành, người hướng dẫn thông tin, bảo vệ, lao công, giữ xe...
Ngoài nguyên nhân hành khách cho rằng địa điểm BXMĐ mới không thuận tiện thì nguyên nhân chính khiến bến xe này vắng khách là do các bến cóc, xe dù "hớt tay trên" ngay trong nội thành và Quốc lộ.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)