Dù điểm thi trung bình các môn và phổ điểm trung bình các khối xét tuyển năm nay thấp hơn năm 2017, nhưng việc vài trường công bố điểm xét tuyển ở mức 11-12 điểm không được sự đồng tình của xã hội.
Điểm sàn xét tuyển quy định từ năm 2004 khi có một số trường ĐH xét với điểm tổng 3 môn chỉ 9 điểm ở năm 2003. Mục đích để các trường không đưa ra điểm chuẩn trúng tuyển quá thấp, không bảo đảm chất lượng đầu vào cho đào tạo ĐH, hướng thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm sàn phải chuyển qua những luồng đào tạo khác.
Thật ra, liên tục trong những năm thi tuyển sinh 3 chung, thường điểm sàn ở mức 13-14 điểm. Năm 2015, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lần đầu tiên sau rất nhiều năm điểm sàn của các khối xét tuyển cùng đạt mức 15 điểm. Năm 2016, điểm sàn vẫn 15 điểm và năm 2017, năm cuối cùng có quy định điểm sàn chung, điểm sàn đạt đến 15,5 điểm. Như vậy, liên tục 3 năm qua, xã hội đã "quen" với điểm sàn ở mức 15. Nay xuất hiện mức điểm sàn do vài trường quy định là 11-12 điểm gây bão dư luận là điều có thể hiểu được, biện minh vì lý do điểm thi thấp cũng không thuyết phục.
Ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm sàn do các trường công bố sẽ xấp xỉ 15 điểm. Thực tế nhiều trường đã công bố ở mức này, trong đó có ĐH công lập. Về pháp lý, khi Bộ GD-ĐT giao quyền tự quyết định điểm sàn xét tuyển cho các trường cũng không quy định mức tối thiểu phải bao nhiêu. Hơn nữa, đây chỉ là mức điểm xét tuyển, điểm chuẩn trúng tuyển cuối cùng có thể cao hơn. Vậy điểm sàn "tự quyết" bao nhiêu thì không bị xem là quá thấp? Điều này rất khó nói, nhưng các số liệu thống kê cho thấy dù điểm thi có thấp hơn nhưng nếu điểm sàn chung ở mức 14-15 thì tỉ lệ dôi dư vẫn chấp nhận được (có đủ số lượng thí sinh đạt điểm để các trường xét tuyển đủ chỉ tiêu).
Tất nhiên, mức điểm sàn mà từng trường phải công bố trước ngày 19-7 có thể sẽ tác động đến việc nhiều thí sinh điều chỉnh, bổ sung, thay đổi các nguyện vọng đăng ký xét tuyển, có thể đây cũng chính là điều mà một số trường, đặc biệt là những trường top dưới e ngại. Việc công bố mức điểm sàn xét tuyển thấp phải chăng để "giữ chân" thí sinh? Tuy nhiên, đứng về mặt kỹ thuật, quy định các trường ĐH phải xét tuyển các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký bình đẳng như nhau phần nào cũng đã "vô hiệu hóa" việc các trường đặt mức điểm sàn xét tuyển thấp, vì khi đó điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký xét tuyển.
Vì vậy, việc đặt mức điểm sàn quá thấp sẽ "làm hại" những trường có ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Những trường này cần cân nhắc vì chắc chắn phương thức xét tuyển từ học bạ THPT cũng đã bảo đảm một nguồn tuyển cho trường, không tội gì phải chạy theo phương thức xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia với điểm xét tuyển quá thấp, gây nỗi lo về chất lượng đào tạo và sự mất niềm tin vào giáo dục ĐH vốn đã quá nhiều bất cập.
Bình luận (0)