Nguồn tin phóng viên Báo Người Lao Động cho biết thượng tá Nguyễn Vũ Cương - Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình - vừa ký thông báo chuyển nguồn tin tội phạm liên quan vụ việc nguyên lãnh đạo chi nhánh viễn thông bị tố lừa đảo "chạy việc" gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Đồng Hới để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Chị Trần Võ Mỹ Hiền (trái) và một nạn nhân khác tố cáo "hành vi lừa đảo" của ông Đinh Sơn Kỳ
Đây là vụ việc mà Báo Người Lao Động đã phản ánh. Theo đó, ông Đinh Sơn Kỳ (SN 1974; quê xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn), nguyên Trưởng Đại diện Văn phòng Vinaphone - chi nhánh Quảng Bình, bị nhiều nạn nhân tố nhận tiền "chạy việc" nhưng tiền thì mất, việc thì không như ý.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn nhận được phiếu chuyển đơn từ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình về việc chị Trần Võ Mỹ Hiền (SN 1989; ngụ phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn) tố cáo hành vi lừa đảo của ông Đinh Sơn Kỳ.
Chị Trần Võ Mỹ Hiền phản ánh năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, do chưa xin được việc làm, chị tình cờ quen biết ông Kỳ đang là Trưởng Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình.
Ông Kỳ nói muốn được vào làm việc tại đây thì phải đóng 130 triệu đồng tiền "chi phí", sẽ được ký hợp đồng lao động và trở thành nhân viên chính thức của Vinaphone - Quảng Bình. Thông qua ông Kỳ, chị Hiền đã đồng ý giao tiền cho ông L.T.C (lái xe của ông này) 130 triệu đồng ngay tại TP Đồng Hới.
Giấy biên nhận "đóng tiền trách nhiệm" 10 năm trước mà chị Hiền đang giữ
Sau đó, chị Hiền được thông báo vào Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình để làm việc. Thế nhưng, chị không được bố trí công việc "nhân viên viễn thông" như ông Kỳ hứa mà là lao động tự do. Chị không được ký hợp đồng lao động, không được bố trí công việc gì và chẳng chịu sự quản lý của ai.
Sau 4 tháng "ngồi chơi xơi nước", chị Hiền được chi trả mỗi tháng 1,5 triệu đồng mà ông Kỳ gọi là "lương nhân viên"; về sau thì không được trả lương nữa. Cuối năm 2012, chẳng thấy ai đến văn phòng làm việc nữa nên chị đành dứt áo về quê, với món nợ treo trên đầu.
Chị Hiền nhiều lần liên lạc với ông Kỳ để đòi lại số tiền trên. Ban đầu, ông này hứa trả lại nhưng 10 năm qua liên tục chây ì, thất hứa. Khoảng 2 năm nay, chị không còn liên lạc được với ông Kỳ nữa.
Chị Hiền cho rằng ông Kỳ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ việc, xử lý hành vi của ông này và ông L.T.C.
Ngoài chị Hiền, hơn 10 người khác, chủ yếu ở TP Đồng Hới và thị xã Ba Đồn, cũng đồng loạt tố cáo hành vi nhận tiền "chạy việc" của ông Đinh Sơn Kỳ thời điểm ông này giữ chức Trưởng Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình. Trong đó, một số người đến nay vẫn chưa được trả lại hết tiền.
Qua nghiên cứu nội dung đơn và kết quả xác minh ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn nhận thấy đây là việc cá nhân phát hiện, tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, vụ việc và hành vi có dấu hiệu tội phạm này lại xảy ra ở địa bàn TP Đồng Hới nên Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn đã chuyển đơn tố giác tội phạm kèm tài liệu liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an TP Đồng Hới điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Phòng Tổ chức Viễn thông Quảng Bình (VNPT - Quảng Bình) cho biết ông Đinh Sơn Kỳ trước đây là Phó trưởng Phòng Mạng dịch vụ thuộc đơn vị này. Tháng 10-2009, ông Kỳ chuyển về giữ chức Trưởng Văn phòng Vinaphone - Quảng Bình thuộc Trung tâm Dịch vụ Viễn thông khu vực III (TP Đà Nẵng); không thuộc quản lý của VNPT - Quảng Bình.
"Văn phòng này chỉ hoạt động chừng 5 năm thì giải thể. Ông Kỳ cũng nghỉ việc từ đó đến nay" – vị này khẳng định.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thuộc Đoàn Luật sư TP HCM - nhận định rằng trường hợp này, nhiều nạn nhân phải đi mượn tiền hay bán các tài sản của gia đình để có tiền đưa cho ông Kỳ, nhưng không bố trí được công việc. Do đó, hành vi lừa "chạy việc" không những vi phạm về mặt đạo đức mà là còn vi phạm pháp luật. Đối với trường hợp này, khi nhận được đơn tố giác, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ có hay không có hành vi vi phạm cũng như có đồng phạm hay không. Việc xác định hình phạt phụ thuộc rất lớn vào mức độ nguy hiểm của từng loại tội phạm.
Luật sư Bình cho biết theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tùy từng trường hợp, đối với người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có thể sẽ phải chấp hành các hình phạt chính như cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân. Trường hợp chiếm đoạt tài sản của nạn nhân có trị giá 500 triệu đồng trở lên thì đối tượng có thể đối diện khung hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bình luận (0)