Chiều 9-9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo, các nhà khoa học… về những biện pháp chống dịch trong tình hình mới.
Nới lỏng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh
Tại cuộc làm việc, các ý kiến nhận định tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới hiện đã có những diễn biến rất khác. Những nước đã đạt tỉ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 rất cao nhưng vẫn ghi nhận các đợt lây nhiễm trở lại với số ca tử vong đáng kể. Điều này đặt ra cho các nước chưa có nhiều vắc-xin để tiêm những khó khăn mới.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, ở trong nước, dịch bệnh rất phức tạp - đặc biệt là ở TP HCM và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Các địa phương này không khác những nơi đã bị nhiễm nặng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành khác, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự điều chỉnh chiến lược chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở trong nước.
Cụ thể, với những tỉnh, thành kiểm soát được dịch bệnh, ghi nhận ít ca mắc, các chuyên gia khuyến cáo vẫn tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, cách ly F0, F1, truy vết F2, F3. Đối với khu vực TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… (nơi dịch bệnh lây nhiễm sâu) phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt, như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển đã tiêm vắc-xin đạt được miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, bên ngoài thành phố là vành đai an toàn, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.
Tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 ở TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các nhà khoa học nhấn mạnh việc áp dụng các giải pháp chống dịch ở khu vực TP HCM với những tỉnh, thành khác trên cả nước hoặc ngược lại đều không khả thi bởi cả nước đã bước vào giai đoạn chống dịch mới khi mà mầm bệnh đã ở sâu trong cộng đồng.
Sớm phủ vắc-xin cho 100% đối tượng có chỉ định
Để trở lại trạng thái bình thường mới, các chuyên gia thống nhất cần tiêm vắc-xin Covid-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; bảo đảm hệ thống điều trị đầy đủ thuốc, ôxy, các trang thiết bị cần thiết để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19, giảm tối đa tỉ lệ tử vong.
Trong thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường mọi hướng tiếp cận nguồn vắc-xin, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để có vắc-xin sớm nhất. Cùng với việc ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền để giảm số ca tử vong, các ý kiến nêu rõ cần phân bổ vắc-xin cho những khu vực cần phải bảo vệ trước mắt như TP HCM, Hà Nội, các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, chuỗi sản xuất, dịch vụ… nhằm tạo miễn dịch cộng đồng sớm.
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý cần đẩy nhanh việc xem xét triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Đồng thời, những loại thuốc điều trị Covid-19 cần được cập nhật và đưa vào điều trị sớm, kết hợp các phương thuốc đông y để tăng cường thể trạng, sức khỏe người bệnh. Bên cạnh kết quả tích cực trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19, các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển nhiều loại sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, kể cả công tác khử khuẩn, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần có cơ chế tập hợp lực lượng, nhất là trong khâu thử nghiệm, cấp phép sử dụng, lưu hành.
Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh giải pháp giãn cách xã hội là biện pháp làm chậm, chặt đứt chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và đề xuất phải tiếp tục thực hiện khi chưa có đủ vắc-xin. Việc thực hiện giãn cách xã hội phải làm nghiêm ngay từ đầu, thực chất, chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế đầy đủ cho người dân, giữ gìn an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề cập việc huy động y tế tư nhân tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, đồng thời cho rằng nên áp dụng tương tự việc chi trả cho y tế tư nhân như cơ sở điều trị công lập, những chi phí khác phải dựa trên nguyên tắc minh bạch và sự tự nguyện của người dân.
Đưa14.620 tỉ đồng dự phòng tiết kiệm vào chống dịch
Ngày 9-9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký thay Thủ tướng ban hành Nghị quyết về phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng bổ sung 14.620 tỉ đồng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vào nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để tập trung cho công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, xét báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh năm học 2020 - 2021 và kế hoạch hỗ trợ gạo năm học 2021 - 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh năm học 2020 - 2021.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em, vừa ban hành Quyết định số 1013 về việc hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị mắc Covid-19 được sinh ra từ ngày 27-4 đến 31-12-2021 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em. Đồng thời, hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27-4 đến 31-12-2021. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
B.Trân - V.Duẩn
Bình luận (0)