Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Sáng 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Báo cáo nêu rõ Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã tiếp thu đa số ý kiến đại biểu QH theo hướng sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp. UBTVQH cũng nêu quan điểm, để tăng cường kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là cần thiết.
Trước một số ý kiến đại biểu đề nghị việc phân công nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải đảm bảo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công, UBTVQH đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý quy định của dự thảo luật trình QH, bảo đảm thống nhất với Luật quản lý nợ công và rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý các dự án ODA.
Liên quan đến một vấn đề còn nhiều chiều ý kiến là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của UBTVQH cho biết Chính phủ và một số đại biểu đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỉ đồng lên 20.000 tỉ đồng.
ĐB Hoàng Quang Hàm bày tỏ quan điểm về đề xuất điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỉ lên 20.000 tỉ đồng
Thảo luận tại hội trường, ĐB Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) khẳng định mức vốn 10.000 tỉ không bất cập. Theo ĐB Hàm, QH khoá 13 và 14 chỉ có 2 dự án trình QH. "Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít; điều chỉnh tăng lên 20.000 tỉ đồng có thể không còn dự án nào trình QH. QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để không quyết định dự án nào là bất hợp lý. Hơn nữa trình QH sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn và có ngay các chính sách đặc thù…." - ĐB Hàm phân tích.
ĐB Hàm cũng cho rằng lý giải mức vốn 10.000 tỉ đồng hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để đưa lên 20.000 tỉ đồng là không thuyết phục. Ông Hàm cho rằng mức 10.000 tỉ đồng giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Vì thế, sẽ là hợp lý nếu giai đoạn trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia chỉ là 5.000 đến 6.000 tỉ đồng và mỗi một giai đoạn 5 năm có khoảng 2 đến 3 dự án trình QH. Bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10.000 tỉ đồng là phù hợp.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói: "Nếu QH không quyết định danh mục dự án là bước lùi trong phân bổ ngân sách"
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhìn nhận việc quyết định danh mục đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của ĐBQH. Theo ĐB Mai, việc QH quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Xét về tính công khai minh bạch là yêu cầu căn bản, nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục cơ chế xin cho, giảm gánh nặng cho địa phương trong đề xuất dự án. Việc trình QH sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Các ĐBQH có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình. “Nếu QH không quyết định danh mục dự án là bước lùi trong phân bổ ngân sách. Trong lịch sử QH những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho dự án được QH và UBTVQH thực hiện, không nên tạo ra một tiền lệ khác”- ĐB Mai đề nghị.
Trả lời câu hỏi: “Việc trình QH có làm chậm tiến độ dự án hay không?”, ĐB Mai cho rằng nguyên nhân của giải ngân chậm của một số dự án chậm tiến độ, qua giám sát thực tế cũng như qua báo cáo của Chính phủ cho thấy là do tổ chức thực hiện, triển khai giải phóng mặt bằng chậm và năng lực nhà thầu hạn chế.
Bình luận (0)