Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, trưởng đoàn giám sát của QH, cho biết giai đoạn 2011-2016 đã có 319 hiệp định vay vốn được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỉ USD, cao hơn 59% so với thời kỳ 2006-2010. Tổng giải ngân cả giai đoạn 2011-2016 khoảng 28 tỉ USD (tương đương 560.000 tỉ đồng), trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỉ USD chiếm 82,3%; vốn vay ưu đãi là 3,2 tỉ USD chiếm 11%; vay thương mại 1,7 tỉ USD, chiếm khoảng 6% tổng trị giá giải ngân.
Phiên họp chiều 9-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo đánh giá các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ giảm nghèo bền vững... Dù vậy, bên cạnh những kết quả, thành công, vẫn còn một số hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn. Đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn lực ODA ở một số dự án chưa cao, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Có dự án đầu tư không những không mang lại hiệu quả mà còn để lại một khoản vay lớn, không có khả năng trả nợ và lãi vay.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với những đánh giá của đoàn giám sát; đồng thời cho rằng trong điều kiện nguồn thu của ngân sách hạn hẹp, yêu cầu đầu tư phát triển lớn nên việc tiếp tục vay vốn ODA là cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ý băn khoăn về khâu quản lý nguồn vốn vay. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, góp ý cần chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương nào làm tốt, làm không tốt để quy trách nhiệm cụ thể. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - đề nghị cần đẩy mạnh việc giám sát của các cơ quan dân cử. "Các Ủy ban của QH nắm cho được các dự án ODA thuộc lĩnh vực của mình và phải giám sát các dự án ODA này một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xác định rõ đối tượng chịu trách nhiệm theo dõi các dự án ODA" - ông Bình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn tới vẫn rất cần thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam song quan trọng hơn cả là phải nâng cao khả năng hấp thụ vốn ODA sao cho hiệu quả nhất. Ông Hiển đồng tình với các góp ý về việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý, nêu cao nhận thức về vốn vay ODA cũng như gắn trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này.
Liên quan với việc vượt trần 300.000 tỉ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn ODA giai đoạn 2016-2020, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn, đồng thời xây dựng định hướng huy động, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới.
Bình luận (0)