Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đến nay tổng số ca mắc Covid-19 điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là gần 44.000 ca. Hiện các bệnh viện (BV) ở TP điều trị cho 33.444 bệnh nhân.
Chuyển biến tích cực
Trong ngày 4-8, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM - đã đến kiểm tra tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM.
Theo BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, hiện mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi đến từ người dân trên địa bàn. Trung tâm đã huy động 200 nhân sự, nâng số lượng đường truyền tổng đài viên lên 40, gấp 10 lần nhằm đáp ứng nhanh nhất việc điều chuyển cấp cứu bệnh nhân.
Điều trị bệnh nhân trong khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Sở Y tế cho biết hiện toàn TP có khoảng 200 xe cấp cứu. Trong 2 tuần tới, TP dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 chuyên dụng, chuyển đổi thêm 200 xe taxi thành xe cấp cứu cho bệnh nhân. Hệ thống cấp cứu 115 sẽ được triển khai đến từng cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại quận, huyện, các khu dân cư nhằm kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng đến các BV, can thiệp điều trị sớm nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỉ lệ tử vong. PGS-TS Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao những thành quả ban đầu của TP trong cấp cứu, kịp thời điều trị để cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Về công tác điều trị, tại BV Hồi sức Covid-19 TP HCM (đặt ở TP Thủ Đức), số giường điều trị đang nhanh chóng được nâng lên để kịp thời đáp ứng nhu cầu bệnh nhân chuyển lên từ các tuyến dưới.
Theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch BV Chợ Rẫy, thành viên BV Hồi sức Covid-19 TP, sau gần 3 tuần đi vào hoạt động, BV Hồi sức Covid-19 TP đã điều trị khỏi bệnh, tổ chức 2 đợt xuất viện cho 27 bệnh nhân bình phục hoàn toàn. Trong ngày 4-8, có thêm 10 bệnh nhân xuất viện.
"Từ tình trạng thập tử nhất sinh, với sự hỗ trợ của các BS, nhóm bệnh nhân tưởng như không thể qua khỏi đã vượt cơn nguy kịch, trở lại cuộc sống bình thường. Đây chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho các BS tiếp tục chiến đấu, bảo vệ sinh mạng cộng đồng, tạo niềm tin vững chắc để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh" - BS Việt nói.
Tổng lực chi viện cho thành phố
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá TP HCM đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng chống dịch. Vấn đề cần quan tâm nhất tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa được các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỉ lệ tử vong. Ngoài lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế đang tiếp tục điều động lãnh đạo cục/vụ liên quan và giám đốc các BV hạng đặc biệt, BV chuyên khoa tuyến trung ương vào TP HCM để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Đến nay, ngoài BV Hồi sức Covid-19 TP HCM với quy mô 1.000 giường đặt tại BV Ung bướu TP do BV Chợ Rẫy chịu trách nhiệm, Bộ Y tế sẽ cùng TP HCM lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực ICU khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng. Bộ Y tế giao Giám đốc BV Việt Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn TP Thủ Đức với quy mô 500 giường. BV Bệnh nhiệt đới trung ương hỗ trợ BV Việt Đức về hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết việc thiết lập Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 tại BV Dã chiến 16 (quận 7) đang được tiến hành khẩn trương theo chỉ đạo của Bộ Y tế. BV Dã chiến 16 có gần 3.000 giường bệnh, trong đó có 500 giường phục vụ cho hồi sức tích cực (giường cấp cứu bệnh nhân nặng). Hàng trăm thiết bị, máy móc hiện đại từ BV Tâm thần Bắc Giang (nơi có BV Dã chiến với 100 giường Hồi sức tích cực) cũng đã được chuyển vào TP HCM để lắp đặt cho BV Dã chiến 16.
Kiểm soát chặt người tự ý về từ vùng có dịch
* Cần Thơ: Đánh giá an toàn phòng chống dịch tại doanh nghiệp
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 ngày qua, toàn tỉnh đã ghi nhận 34 trường hợp mắc Covid-19 tại các khu cách ly tập trung người dân đi về từ các tỉnh phía Nam bằng phương tiện cá nhân. Để tránh nguy cơ dịch lây nhiễm, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng người dân tự phát đi về từ các tỉnh phía Nam.
Trước tình trạng trên, các tỉnh Bình Định, Quảng Trị… cũng chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt chẽ người trở về từ các địa phương có dịch.
* Ngày 4-8, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã yêu cầu Sở Công Thương, Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, UBND quận, huyện phối hợp với cơ quan y tế kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Kể từ 0 giờ ngày 5-8, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không bảo đảm đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch phải tạm dừng hoạt động.
Nhóm Phóng viên
Bình luận (0)