Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 10 ngày 22-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý nhiều nhiệm vụ TP HCM cần tập trung thời gian tới, trong đó có việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM để Quốc hội sớm ban hành nghị quyết mới. Từ đó, tạo điều kiện cho thành phố phát triển.
Trước đó, Báo Người Lao Động nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, những người tâm huyết với sự phát triển của TP HCM. Bên cạnh phân tích những mặt tích cực mà Nghị quyết 54 mang lại, các tác giả cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, mổ xẻ nguyên nhân và nêu những ý tưởng để nghị quyết thay thế toàn diện, hoàn hảo hơn.
Chủ động nhiều vấn đề
TS Trần Du Lịch đánh giá trong 5 năm, nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết 54 được TP HCM triển khai và đạt kết quả. Tuy nhiên, có một số nội dung khi thực hiện lại bị chi phối bởi nhiều quy định dẫn đến vướng mắc, chậm trễ.
TP HCM sẽ phát triển vượt bậc khi có cơ chế, chính sách tương xứng .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong số nhiều giải pháp khắc phục, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh ý TP HCM cần kiến nghị mở rộng việc phân cấp, phân quyền về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tổ chức bộ máy hành chính, nhân sự, quy hoạch, văn hóa - xã hội... theo nguyên tắc những gì địa phương làm tốt thì nên để địa phương làm. Ngoài ra, một cơ chế minh bạch theo hướng quy định tỉ lệ đóng góp ngân sách về trung ương ở mức hợp lý là rất cần thiết. Với phần ngân sách từ việc cho TP HCM được tăng thu, nên áp dụng cơ chế tăng bao nhiêu thì thành phố được hưởng bấy nhiêu và HĐND quyết định khoản này.
Cùng với đó, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thành phố cần được thí điểm những mô hình chưa được pháp luật quy định (sandbox) liên quan đến công nghệ số, ngân hàng số. Cũng theo TS Trần Du Lịch, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cần được xây dựng theo hướng đồng bộ với Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ mà TP HCM là hạt nhân.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, TSKH - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP HCM phải có những tính toán mang hiệu quả cao nhất, hài hòa lợi ích nhất. Ông nhận định tăng dân số là xu hướng tất yếu và bài toán thành phố cần giải là phát triển thế nào theo hướng đô thị đa trung tâm. Bởi với đô thị đa trung tâm, những quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải phân tán tới các trung tâm này để tránh tình trạng người dân ra khu ngoại vi để mua nhà nhưng lại thiếu trường học, bệnh viện...
Với câu chuyện phát triển nhà ở, theo vị kiến trúc sư, việc được tăng thẩm quyền sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong thực hiện các đề án phát triển nhà ở. Vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất lúa, TP HCM cần có chiến lược rõ ràng, đặc biệt là chuyển đất lúa thành đất đô thị. Thành phố đang thiếu không gian xanh và như vậy việc chuyển đổi phải góp phần bù lại tình trạng này.
Sử dụng nhân lực hiệu quả
Bàn về cách sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, nhận xét cán bộ, công chức TP HCM được thụ hưởng chế độ khuyến khích vượt trội nên cũng cần thiết áp dụng chế độ hợp đồng lao động như viên chức. Kinh nghiệm các nước cho thấy không có chuyện công chức làm việc biên chế suốt đời mà có vào có ra khi không đạt yêu cầu công việc và TP HCM cũng nên thực hiện cách này.
Ngoài ra, việc sử dụng cũng như đãi ngộ cán bộ, công chức nên cân nhắc nhiều thành tố. Trong đó, về tài chính, cơ chế đặc thù nên cho TP HCM nguồn kinh phí để thực hiện chính sách khuyến khích gồm lương và thưởng.
Để đánh giá chính xác thành tích của từng cán bộ, công chức, ông Diệp Văn Sơn cho rằng nên bổ sung chế định sát hạch và quy chế cho cán bộ, công chức. Từ đó, phát huy đầy đủ tính tích cực của họ; nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước; thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Nói riêng về TP Thủ Đức, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP HCM, nhận xét 1 trong 7 nội dung quan trọng trong dự thảo là cơ chế đặc thù cho thành phố này với tên gọi "Cơ chế đặc thù về phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức". Nếu được triển khai, các cơ chế, chính sách sẽ giải quyết hàng loạt vướng mắc ở TP Thủ Đức như đất đai, dịch vụ công, nhân sự, tài chính...
Tuy nhiên, TS Thiện Trí nhận xét một số điểm cần được nhìn thấu đáo hơn. Cụ thể như TP HCM đang áp dụng Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về chính quyền đô thị, trong đó có những quy định đặc thù cho TP Thủ Đức. Với dự thảo này, cần lưu ý đến tính thống nhất, tương quan, tương hỗ của 2 văn bản.
Thêm nữa, câu hỏi cần đặt ra là sau nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thì tiếp theo sẽ là gì. Đương nhiên, nghị quyết thay thế tiến bộ hơn, song sẽ là khó khăn cho TP HCM và TP Thủ Đức vì sẽ không tránh được tình trạng phải đề xuất hết cơ chế đặc thù này tiếp nối cơ chế đặc thù khác. Vì thế, trong tương lai cần suy nghĩ nghiêm túc những vấn đề trên.
Phù hợp với yêu cầu phát triển
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay quá trình triển khai các nội dung, đề án theo Nghị quyết 54 đạt một số kết quả tích cực, tạo thế chủ động nhiều hơn cho thành phố so với thời gian trước đó. Một số nội dung thực hiện có hiệu quả đã được thể chế hóa tại các luật có liên quan và áp dụng cho cả nước.
Về dự thảo nghị quyết mới, tinh thần là thí điểm hoặc nhận thí điểm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với TP HCM mà luật chưa có quy định; hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, còn chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.
Các nội dung đặt ra trong nghị quyết mới phải giải quyết những "điểm nghẽn" chưa được phát huy ở Nghị quyết 54. "… Trên hết, chúng ta cần xác định cơ chế nào phù hợp với yêu cầu phát triển của một "siêu đô thị" như TP HCM, cơ chế nào để TP HCM có thể vươn lên với sức bật mới, sức đột phá mới. Từ đó, tạo tiền đề để TP HCM tiến về phía trước; để chủ động, không nửa vời; để liên kết vùng miền và đóng góp nhiều hơn cho cả nước, tương xứng với tiềm lực vốn có" - ông Phan Văn Mãi nói.
Bình luận (0)