Chuyến tàu duy nhất trong ngày vào ga Hạ Long
Ngày 25-11, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, mặc dù chỉ còn 15 phút nữa tàu sẽ vào ga "về đích" nhưng ga Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn vắng lặng như tờ.
Trụ sở nhà ga được xây dựng 2 tầng khá hiện đại với nhiều phòng lúc nào cũng cửa đóng, then cài. Nhà chờ sạch sẽ, rộng thênh thang nhưng cũng không có lấy một bóng người. Chị Lê Thị Hương, nhân viên bán vé, chỉ còn biết ngồi hí hoáy làm bạn với chiếc điện thoại di động.
"Tàu xuất phát từ ga tàu Yên Viên, sau một hành trình dài 7 tiếng gom khách và hàng hóa, qua gần 20 ga trên tuyến đường sắt 160 km, nhưng đến ga Hạ Long cũng chỉ có khoảng 30 khách mà phần lớn là bà con tiểu thương buôn bán hàng nông sản. Đoàn tàu cũng chỉ có 3 toa (trong đó 1 toa đầu kéo và 2 toa dành cho hành khách). Bình quân mỗi ngày, tại ga Hạ Long chỉ bán được khoảng 30, 40 vé thôi anh ạ" - chị Hương nói.
Cảnh ồn ào, náo nhiệt chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần trong ngày và diễn ra trong chốc lát là vào lúc 11 giờ 45 phút, khi tàu về ga, khoảng vài chục tiểu thương người địa phương và hơn 20 tiểu thương từ các tỉnh theo tàu về ga Hạ Long mua bán, trao đổi, hàng hóa với đủ loại các mặt hàng nông sản, gia cầm.
Tàu trưởng Ngô Văn Vũ cho hay: "Chuyến tàu hôm nay, không có đến 1 khác vãng lai nào. Trung bình mỗi chuyến (cả đi và về) doanh thu chỉ khoảng 3,8-4 triệu đồng. Tính ra mỗi chuyến phải bù lỗ tới… 95%".
Cũng theo ông Vũ, vào 13 giờ 45 phút cùng ngày, ông lại cùng đoàn tàu rời ga Hạ Long, đưa những lái buôn lam lũ cùng lồng gà, lồng vịt, quang gánh… trở về nơi họ xuất phát và kẽo kẹt về đến ga cuối cùng là ga Yên Viên vào khoảng 20 giờ 30 phút".
Sân ga đìu hiu trước giờ tàu vào ga
Ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long, trao đổi với phóng viên
Ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long, trao đổi với phóng viên
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long, cho hay một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến đường sắt này hoạt động èo uột là tốc độ quá chậm và không có tính kết nối, bởi một mình một khổ (1,435 m), trong khi khổ đường ray toàn quốc là 1 m.
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, tốc độ thiết kế là 120 km/giờ với tàu khách và 80 km/giờ với tàu hàng, có tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm yếu trên và đưa tuyến vận tải đường sắt này đạt tầm quốc tế. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ lồng 2 khổ đường ray 1,435 m và 1 m để kết nối với hệ thống đường sắt toàn quốc và rút ngắn được khoảng 40 km do nắn tuyến.
Cảnh nhộn nhịp chỉ diễn ra 1 lần trong ngày và trong ít phút
Theo thiết kế, ga Hạ Long được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại với năng lực đón từ 6-7 đôi tàu khách/ngày đêm ở giai đoạn đầu và 10-11 đôi tàu khách/ngày đêm giai đoạn sau. Theo đó, ga Hạ Long được xây dựng với quy mô khá lớn có khu vực phòng chờ, nơi bán vé rộng rãi, khu vực bày bán hàng lưu niệm, phòng vui chơi cho trẻ; khu vực bán hàng ăn phục vụ khách hàng, khu vực điều hành tàu, nơi làm việc của cán bộ, nhân viên... Tại nhà ga còn có hệ thống đường ngầm để giúp hành khách sang tuyến đường ray khác trên sân ga mà không phải vượt qua đường ray; quảng trường ga rộng lớn nằm sát Quốc lộ 18A, gần Bến xe Bãi Cháy, rất thuận tiện cho hành khách đi lại.
Tuy nhiên, được khởi công năm 2005 và đã được giải ngân hơn 4.500 tỉ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn dở dang vì bị dừng thi công từ năm 2011 do thiếu vốn.
"Dự án này đã mở ra niềm hy vọng tăng cường vận tải bằng đường sắt, giảm tải giao thông đường bộ và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện mỗi ngày vẫn chỉ đón một chuyến tàu chợ chở gà, vịt, rau quả, với doanh thu chưa đến 4 triệu đồng/2 chiều"- ông Tân buồn rầu nói.
Một số hình ảnh ghi nhận tại ga Hạ Long ngày 25-11:
---
---
Nhà chờ, phòng bán vé không bóng người
Sân ga đìu hiu, xuống cấp
---
Đi lại trên tàu chủ yếu là những tiểu thương buôn bán hàng nông sản
---
Cả chuyến chỉ có hơn 20 tiểu thương
Bình luận (0)