xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiu hắt nhà ga ngàn tỉ

Bài và ảnh: TRỌNG ĐỨC

Một ga đường sắt ở Quảng Ninh được kỳ vọng rất nhiều để rồi từ khi đưa vào hoạt động đến nay mỗi ngày chỉ đón một chuyến tàu

Với dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh), tuyến đường sắt ở Quảng Ninh được nối dài thêm hơn 5 km từ ga Hạ Long đến cảng biển Cái Lân và với ga Cái Lân chuyên chở hàng hóa, container. Trong đó, ga Cái Lân dù đã xây dựng xong nhưng đang bỏ không, còn ga Hạ Long được kỳ vọng thật nhiều nay chỉ toàn nỗi thất vọng

"Sân ga vắng con tàu"

Theo ghi nhận, ga Hạ Long nằm trong tiểu dự án ga Hạ Long - ga Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ với tổng vốn đầu tư 1.510 tỉ đồng, được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại với năng lực đón từ 6-7 đôi tàu khách/ngày đêm ở giai đoạn đầu và 10-11 đôi tàu khách/ngày đêm giai đoạn sau. Theo đó, ga Hạ Long được xây dựng với quy mô khá lớn có khu vực phòng chờ, nơi bán vé rộng rãi, khu vực bày bán hàng lưu niệm, phòng vui chơi cho trẻ; khu vực bán hàng ăn phục vụ khách hàng, khu vực điều hành tàu, nơi làm việc của cán bộ, nhân viên... Tại nhà ga còn có hệ thống đường ngầm để giúp hành khách sang tuyến đường ray khác trên sân ga mà không phải vượt qua đường ray; quảng trường ga rộng lớn nằm sát Quốc lộ 18A, gần Bến xe Bãi Cháy, rất thuận cho hành khách đi lại.

Hiu hắt nhà ga ngàn tỉ - Ảnh 1.

Ga Hạ Long được xây dựng hoành tráng như thế này nhưng mỗi ngày chỉ đón một chuyến tàu chở khoảng chục tấn nông sản cùng khoảng 30-40 tiểu thương

"Dự án này đã mở ra niềm hy vọng tăng cường vận tải bằng đường sắt, giảm tải giao thông đường bộ và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, điều đáng buồn là mỗi ngày ga chỉ đón duy nhất một chuyến tàu chở khoảng chục tấn nông sản cùng khoảng 30-40 tiểu thương" - một cán bộ ở ga Hạ Long chia sẻ.

Cách đó không xa, ga Cái Lân nằm trọn trong khu vực cảng biển Cái Lân, có tới 7 đường ray để chờ xếp hàng. Nhà ga được bố trí đầy đủ hệ thống nhà kho, bãi xếp container chuyên dụng. Nhưng đáng buồn trong 3 năm đưa vào khai thác (khai thác năm 2014 - PV), ga này chỉ đón được duy nhất 1 chuyến tàu 10.000 tấn hàng. Ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Cái Lân - thuộc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng, cho hay từ cuối năm 2014 đến nay ga gần như không hoạt động. Đơn vị chỉ làm công việc duy tu, bảo dưỡng đường ray, hạ tầng theo quy trình của ngành đường sắt, tránh xuống cấp và trông coi để tránh bị kẻ gian phá dỡ, trộm cắp.

Chua xót!

Đáng nói theo ghi nhận, hiện mỗi ngày gần chục cán bộ nhân viên ga Hạ Long chỉ bận khoảng 2 giờ khi 1 chuyến tàu chuẩn bị vào ga và lúc tàu rời đi. Thời gian còn lại, tất cả cán bộ, công nhiên viên nhà ga phải ngồi nhìn công trình khổng lồ ngàn tỉ xuống cấp bởi nắng mưa mà không được sử dụng. Hiện chưa thể kết nối tuyến đường sắt ga Hạ Long với hệ thống đường sắt chung của toàn quốc được vì khổ đường ray từ Yên Viên - Hạ Long hoặc Hạ Long - Kép (Bắc Giang) là 1.435 mm, trong khi đó, các tuyến đường sắt khác lại có khổ đường ray 1.000 mm nên phải chuyển tàu.

Ông Tân cho hay trước sự hoạt động không hiệu quả của tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long, ngày 1-10-2017, nhiều tàu đã phải bỏ qua một số nhà ga trên tuyến, khiến các tiểu thương nhiều năm buôn bán trên chuyến tàu đã gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, chị Khúc Thị Loan (trú tại Phố Tráng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: "Hơn 30 năm qua, gia đình tôi đã bám theo tuyến đường sắt này, giờ, cắt một số ga không ghé là làm khó chúng tôi, vì không thể mua hàng để đi theo tuyến đường sắt được. Thật chua xót".

Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của phóng viên, cảng biển khu vực Quảng Ninh những năm qua dư thừa khá nhiều năng lực khai thác. Cả cụm cảng có 6 cầu bến, với khả năng khai thác hơn 12 triệu tấn/năm nhưng hiện mới khai thác khoảng hơn 7 triệu tấn. Lý do cụm cảng Quảng Ninh vắng khách không gì khác do kết nối vận tải yếu, trong đó không loại trừ do tuyến đường sắt nêu trên chưa hoàn thiện. Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã có cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và đề nghị khởi động lại dự án nhằm khơi dậy tiềm năng vận tải bằng đường sắt đi - đến Quảng Ninh.

Bỏ ra hơn 4.300 tỉ đồng rồi… đắp chiếu

Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) được triển khai từ năm 2004 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng số tiền 7.600 tỉ đồng, đã giải ngân được hơn 4.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 dự án tạm dừng do gặp khó khăn về vốn. Từ đó đến nay đã 6 năm dự án vẫn chưa khởi động lại.

Đáng nói, trong quy hoạch của ngành đường sắt, tuyến đường sắt trên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu hoàn thành, dự án đảm nhận việc vận chuyển hành khách, hàng hóa dọc từ cảng biển nước sâu Cái Lân về Hà Nội rồi kết nối đi các tỉnh. Lúc thành lập, dự án còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, hình thành nên liên hiệp các khu, cụm công nghiệp dọc Quốc lộ 18 trải dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh mà tuyến đường sắt này chạy qua.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo