Tại nhiều cảng cá ở Quảng Bình, nhiều tàu cá không thể ra khơi do thiếu người "đi bạn" (đi biển). Trước đây, để có "một chân" đi biển chủ tàu tuyển chọn kỹ lưỡng, cần các nhân công có sức khỏe, kỹ thuật và kinh nghiệm nhưng nay tuyển lao động trên các tàu cá theo kiểu "lấy đại" bởi thiếu hụt thuyền viên trầm trọng.
Đỏ mắt "chiêu mộ" thuyền viên
Tại xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch dù đang vào mùa cao điểm nghề cá, nhưng ở cửa sông Roòn, nhiều tàu cá vẫn chen chúc neo đậu, "chây ì" không ra khơi. Khi hỏi mới biết là do thiếu người "đi bạn".
Ông Lê Ngọc Tình, chủ một tàu cá tại xã Cảnh Dương, nói nếu đúng đầu tháng 9 nay, hầu hết tàu ngư dân đều xuất bến ra biển đánh bắt, nhưng giờ có tới 2/3 trong số hàng trăm tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ, do chưa tìm ra thuyền viên. Trước đây, tàu ông Tình có 10 thuyền viên, chỉ còn 5 người nên ra biển đánh bắt không đáng bao nhiêu, nhiều lần lỗ vốn.
Dù đang bước vào mùa cao điểm nhưng hàng trăm tàu cá ngư dân Quảng Bình "đắp mền" do thiếu lao động
"Trung bình một thuyền viên các chủ tàu sẽ trả 7-10 triệu đồng/tháng nhưng bây chừ họ vẫn "chê" nghề biển. Nhiều lúc tàu phải nằm bờ cả tháng trời vì không có người "đi bạn". Tình hình cứ như thế này một năm nữa bà con ngư dân Cảnh Dương chắc không thể hoạt động đánh bắt" - ông Tình thở dài.
Theo thống kê, xã biển Cảnh Dương có tới 650 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 400 tàu công suất lớn tham gia khai thác hải sản các vùng biển ngoài xa. Ngày xưa khi nhắc đến Cảnh Dương là nhắc đến vùng đất anh hùng, địa linh và nơi luôn có những con tàu vươn khơi khi trở về tôm, cá đầy khoang. Tuy nhiên, hiện nay, hàng trăm con tàu đang nằm trên biển mà không thể vươn khơi, bởi thiếu bạn thuyền nên các chuyến ra khơi trở về đánh bắt ít ỏi, lỗ vốn, các bạn thuyền cũng thu nhập thấp.
Ông Lê Ngọc Tình, chủ một tàu cá tại xã Cảnh Dương phải nằm bờ thời gian dài vì thiếu người "đi bạn"
Xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cũng là một trong những địa phương sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ lớn của Quảng Bình với gần 250 tàu, trong đó khoảng 170 tàu có công suất từ 700CV trở lên. Bình quân mỗi tàu cá cần từ 7 đến 10 lao động. Tại bờ biển xã này có gần nửa số tàu thuyền phải "đắp mền" vì thiếu thuyền viên, phần lớn ra khơi đều sợ lâm nợ.
Ông Hồ Thanh Toàn, ngụ xã Đức Trạch - Chủ chiếc tàu vỏ thép có công suất 900 Cv - cho biết trước đây tàu ông cần trên 12 lao động thì nay chỉ còn khoảng 7 người. Trong đó chỉ có 4 ngư dân có kinh nghiệm, 3 ngư dân còn lại ông mới "chiêu mộ", bởi thế nên nhiều chuyến ra biển đánh bắt không đáng kể, thu nhập ngư dân bấp bênh.
Tương tự, có khoảng 220 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cũng đang trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, cho biết số lao động cần cho mỗi tàu cá từ 8 đến 10 người tùy loại tàu. Tổng số lao động nghề cá mà Bảo Ninh cần khoảng 2.000 lao động nhưng nay chỉ có khoảng 1.000 người.
"Chê" biển vì thu nhập
Năm 2018, xã biển Cảnh Dương có 2000 lao động nghề biển, nay chỉ còn 1200. Trước đó, mức thu nhập trung của các thuyền viên là 10 triệu đồng/tháng, nay chỉ phân nửa, có khi trắng tay. Do vậy nhiều bạn thuyền bỏ việc, tàu nằm bờ không dám ra khơi.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, thừa nhận địa phương đang thiếu hụt trầm trọng số lao động nghề biển, nguyên nhân là do sản lưởng đánh bắt thủy hải sản của ngư dân ngày một sụt giảm, mức thu nhập của nghề bèo bọt nên nhiều lao động bỏ việc, tìm kiếm nghề mới.
Dù đang bước vào mùa cao điểm nhưng hàng trăm tàu cá ngư dân Quảng Bình "đắp mền" do thiếu lao động
"Đóng mới tàu cá vươn khơi bám biển là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay tình trạng thừa tàu, thiếu lao động đang xảy ra tại địa phương, mong các ban ngành quan tâm giá cả, có chính sách hỗ trợ với các tàu thuyền để bà con vượt qua khó khăn" - ông Quang nói.
Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Trạch, cho biết mức thu nhập bình quân của lao động nghề cá ở địa phương hiện khoảng từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, nhưng địa phương thiếu khoảng 600 lao động cho nghề biển.
Tàu cá của ngư dân Quảng Bình khai thác giảm sút, chi phí sửa chữa ngày càng cao do va đập
Nhiều chủ tàu ở Quảng Bình, cho biết thời gian gần đây việc cải hoán tàu, đóng mới nhiều tàu cá nên việc thiếu lao động là điều dễ hiểu. Một nguyên nhân khác nữa là vài năm trở lại đây, "mốt" xuất khẩu lao động ra nước ngoài đang ngày càng tăng nên nhiều ngư dân bỏ nghề "đi bạn" để ra nước ngoài làm việc để có mức thu nhập cao hơn.
Theo Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có trên 1.400 tàu đánh bắt xa bờ. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn để ra các ngư trường xã. Điển hình như ở Cảnh Dương 90 tàu, Đức Trạch gần 80 tàu, Bảo Ninh 20 tàu… đòi hỏi một lực lượng lao động nghề biển lớn và có tay nghề cao nhưng thời gian gần đây tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ.
Bình luận (0)