Ngày 30-5, các trung tâm giới thiệu việc làm tại Lâm Đồng cho biết nguồn lao động tại tỉnh này đang giảm từ 20%-30% so với năm 2018.
Đua nhau rời quê
Lâm Đồng có hơn 500.000 ha đất canh tác cây nông nghiệp các loại, cần trên dưới hàng chục vạn lao động để chăm sóc, thu hoạch mỗi năm. Nhưng năm nay, số lao động địa phương đang khan hiếm, trong khi vào mùa mưa nên nhà vườn rất cần nhân công để chăm sóc.
Bà Đỗ Thị Thanh (ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) lo lắng: "Để có công nhân và giữ chân họ gắn bó với gia đình, chăm sóc cây cà phê như hiện nay là rất khó bởi phần lớn lao động địa phương đi các tỉnh, thành khác làm việc để kiếm thêm thu nhập".
Ông Cao Ngọc Khoa, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Đức Trọng, đánh giá: "Nhìn chung, thị trường lao động năm nay không đáp ứng đủ bởi đặc thù nông sản ở Lâm Đồng chủ yếu là cà phê, trà, sầu riêng và rau củ quả... dùng sức lao động nhiều, trong khi giá cả bấp bênh nên người lao động không mặn mà với công việc. Hiện đơn vị đã huy động tất cả nguồn lực để đến các tỉnh khác tuyển dụng lao động nhưng hiệu quả không cao vì với mức lương các nhà vườn có thể trả thì họ không mặn mà".
Theo các nhà vườn, do cà phê, trà và dâu tằm, hồ tiêu tại Lâm Đồng đang rớt giá nên họ rất khó ổn định mức lương cần trả cho lao động.
Ông Lơ Mu Ha (ngụ xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) cho biết gia đình có 2 ha cà phê nhưng nay chặt để trồng súp lơ. Khi thu hoạch, thương lái chỉ mua 5.000 đồng/kg súp lơ nên gia đình phải mang từng ký ra chợ bán. Giá súp lơ ngoài thị trường là 8.000 đồng/kg nhưng thương lái chỉ mua của gia đình là 5.000 đồng nên hằng ngày phải tự đem ra chợ Đà Lạt bán.
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, nhiều gia đình từng giàu lên nhờ hồ tiêu, giờ trở thành con nợ, bỏ xứ đi vì hồ tiêu trong vườn chết sạch. Cùng với đó, giá hồ tiêu cũng "lao dốc không phanh" khiến nhiều người khốn đốn, không có tiền trả lương cho nhân công nên lao động địa phương dần bỏ đi hết.
Một số nơi ở các huyện Chư Sê và Chư Pứh - được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai một thời - giờ xơ xác, tiêu điều. Dọc Quốc lộ 14 từ huyện Chư Sê tới huyện Chư Pứh, vô số ngôi nhà khang trang nhưng cửa đóng then cài không có người ở, phía ngoài treo biển "bán nhà", "bán đất". Hỏi ra mới biết đa phần chủ nhân những căn nhà này đi TP HCM hoặc Bình Dương để tìm kế sinh nhai và cũng để trốn nợ.
Ông Phạm Hồng Sơn (ngụ xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh) kể những năm hồ tiêu được giá, 6.000 trụ tiêu của ông thu tiền tỉ mỗi vụ. Bắt đầu từ năm 2015, tiêu chết dần. Sau đó, ông lấy hết tiền bao năm tích cóp, vay thêm 1,5 tỉ đồng đầu tư trồng lại nhưng được ít lâu thì chết sạch.
"Giờ tôi ôm nợ 1,5 tỉ đồng, cứ 3 tháng phải trả lãi 40 triệu đồng, không biết bao giờ trả hết. Bán vườn cũng chẳng ai mua mà đầu tư cây trồng khác thì chẳng có vốn, chẳng có lao động để làm. Họ bỏ đi nơi khác hết rồi" - ông Sơn nói.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Pứh, từ đầu năm đến nay, cả huyện có 4.259 người rời quê đi làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Một vườn tiêu ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai chết sạch nhưng không có lao động và vốn để tái đầu tư. Ảnh: HOÀNG THANH
Chất lượng lao động thấp
Tại buổi hội thảo về nguồn nhân lực Tây Nguyên mới đây, PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết lao động có chuyên môn kỹ thuật, có bằng cấp từ sơ cấp trở lên của cả nước là 22% nhưng Tây Nguyên chỉ 14%, thấp nhất trong các vùng của cả nước. Phần lớn lao động Tây Nguyên không có chuyên môn kỹ thuật, làm các nghề giản đơn; năng lực làm việc, ý thức kỷ luật lao động, tác phong lao động công nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Trong khi đó, trong 10 năm qua, chuyển dịch cơ cấu lao động ở Tây Nguyên rất chậm chạp, tỉ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn rất cao, năm 2018 là 72%.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, tỉ lệ lao động làm công ăn lương ở Tây Nguyên chỉ chiếm 22% so với cả nước là 44%. Điều này cho thấy tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tây Nguyên chậm, kinh tế hiện tại chủ yếu là thuần nông, chưa có vùng chuyên canh về nông nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Các hình thức sản xuất tự phát, sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, theo mùa vụ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất lao động thấp. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và xây dựng, thương mại và dịch vụ du lịch ít, tạo ra ít việc làm nên lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề ít tìm được việc làm hoặc làm trái chuyên môn đào tạo, gây lãng phí cho xã hội.
"Thực trạng nguồn nhân lực Tây Nguyên cho thấy đang đối diện với những khó khăn, bất cập không chỉ vấn đề số lượng, cơ cấu, quan trọng là chất lượng rất thấp, có một khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước" - bà Hương nhấn mạnh.
Phát triển chương trình đào tạo khởi nghiệp
Tại hội thảo về nguồn nhân lực Tây Nguyên, nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo khởi nghiệp cho các nhóm lao động ở Tây Nguyên như nhóm thanh niên nông thôn, lao động bị thu hồi đất, lao động di cư, lao động có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, tập trung khuyến khích giới trẻ nông thôn thực hiện các dự án khởi nghiệp phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn. "Di cư ngược trở lại nông thôn. Phải đưa hệ thống dịch vụ về nông thôn, nông thôn là thị trường cho đô thị. Như vậy, những người dân tộc thiểu số, những lao động nông nghiệp, không có chuyên môn kỹ thuật của Tây Nguyên mới được chia sẻ, hưởng thụ thành quả" - PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất.
Bình luận (0)