Đoàn công tác của Bộ Y tế gồm đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ chuyên môn cho Sở Y tế tỉnh này để tìm hiểu nguyên nhân, xử lý cấp cứu, điều trị người ngộ độc.
TS Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: "Chúng tôi trực tiếp làm việc với các bệnh nhân. Qua đó, đoàn công tác chẩn đoán nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella. Đoàn công tác thấy rằng các bệnh viện dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc sớm, điều trị đúng phác đồ, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các chuyên gia trong đoàn cũng trao đổi, thống nhất về phác đồ điều trị với các cháu. Rất đáng tiếc có một học sinh đã tử vong. Tôi thay mặt đoàn công tác và Bộ Y tế gửi lời chia buồn đến gia đình cháu".
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với ngành y tế Khánh Hòa
TS Vương Ánh Dương đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tiếp tục công tác chỉ đạo thống nhất phác đồ điều trị đối với các trường hợp còn nằm viện, có lịch hẹn tái khám với các cháu; tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho cha mẹ học sinh bớt lo lắng; hướng dẫn phụ huynh trong việc phòng ngừa nguy cơ cho các cháu, công tác vệ sinh thân thể và đặc biệt là vệ sinh tay.
Về nguyên nhân nhiễm khuẩn của vi khuẩn Salmonella trong chuỗi cung ứng thức ăn như thế nào vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm phân lập vi khuẩn của viện Pasteur Nha Trang. Căn cứ vào kết quả, việc điều tra sẽ truy xuất nguồn gốc và khâu nào trong chuỗi cung ứng thức ăn liên quan đến bữa ăn của các cháu tại Trường ISchool Nha Trang để chặn nguồn lây nhiễm, không để phát tán thêm nữa.
TS Cao Văn Trung, đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhận định đây là một vụ ngộ độc lớn nhất trong học đường từ trước đến nay, đặc biệt có trường hợp tử vong. Vụ việc này được xác định là ngộ độc thực phẩm và vẫn đang trong giai đoạn điều tra.
TS Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, nói về vi khuẩn Salmonella
TS Nguyễn Thị Hương Giang, công tác tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, cho biết qua thăm khám, hầu hết các trường hợp, các cháu đã hết sốt, đỡ đau bụng, hết tiêu chảy. Các bác sĩ tiếp tục điều trị kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, thời gian có thể mất 5-7 ngày và tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột.
"Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella sau khi điều trị hết thì không để lại di chứng. Sau khi bị nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn thì hệ vi sinh đường ruột của các cháu chưa cân bằng lại được cho nên việc ăn uống của các cháu cần được giữ gìn. Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đảm bảo vô khuẩn và sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các bác sĩ có thể kê đơn các lợi khuẩn thêm để cân bằng lại hệ thống vi khuẩn đường ruột, đảm bảo tránh lây nhiễm những vi khuẩn còn sót lại... Cần đảm bảo công tác vệ sinh trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, chủ yếu là rửa tay xà phòng"- TS Giang khuyến cáo.
Các bệnh viện ở Khánh Hòa chịu sức ép vì hàng trăm học sinh nhập viện cùng lúc do ngộ độc thực phẩm
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trưa 17-11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 930 học sinh, gồm các món: cơm gà, xốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh, dưa leo. Buổi chiều cùng ngày, các em được ăn bánh mì paparoti và uống nước tại hệ thống lọc nước của trường. Sau đó, đến chiều cùng ngày, nhiều em xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…
Đến 7 giờ sáng nay (22-11), có tổng số trường hợp ngộ độc gần 650 ca, đang điều trị 205 ca và ghi nhận 1 ca tử vong.
Bình luận (0)