Trước mong muốn được lắng nghe những lời nói thật và những bức xúc nhất của doanh nghiệp (DN), chương trình Cà phê doanh nhân Huba lần thứ 48 với chủ đề "Doanh nhân, DN hiến kế phát triển kinh tế đất nước" do Hiệp hội DN TP HCM (Huba), tổ chức sáng 16-11, đã nhận được nhiều đóng góp tâm huyết.
Trao đổi với hơn 100 doanh nhân tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nêu ra con số 130.000 DN được thành lập mới hằng năm trong giai đoạn 2017-2018 và tại TP HCM đến cuối năm 2018 có 228.267 DN đang hoạt động, chiếm 31,9% số DN đang hoạt động của cả nước, nhưng đa số DN, doanh nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Năm 2017 cả nước có khoảng 45% DN kinh doanh có lãi, TP HCM có số DN kinh doanh có lãi thấp nhất nước, với 36,4%.
Các bạn trẻ trao đổi thông tin trong một sự kiện tại TP HCM, năm 2019
Ông Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch Hội DN quận 1, TP HCM - cho biết: "Rất nhiều DN TP HCM có bề dày kinh nghiệm lớn và tạo ra rất nhiều sản phẩm cho xã hội, đây là tài sản rất lớn của TP. Bên cạnh đó, nguồn lực trong dân lẫn DN vô cùng lớn, vấn đề là chính quyền, bộ máy hành chính làm sao giải phóng được nguồn lực này". Theo ông Trí, TP HCM có rất nhiều DN, mỗi DN có vài chục dự án, nhiều DN có vài chục công ty và mỗi công ty đều đang gặp vướng mắc về thủ tục hành chính. "Chỉ cần những bức xúc của DN gửi sở ngành, UBND TP, thậm chí trung ương, nếu được giải quyết sẽ giúp giải phóng nguồn lực hiệu quả" - ông Trí nói thêm.
Cho rằng nguồn lực trong dân và DN còn rất nhiều nhưng chưa huy động được do còn thiếu niềm tin vào sự minh bạch, bình đẳng trong môi trường kinh doanh, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương bày tỏ lo ngại nếu môi trường không minh bạch, bình đẳng hơn thì DN có hiến kế hay thế nào cũng khó thực hiện. Vì vậy, nhà nước phải làm cho dân tin vào sự minh bạch, bình đẳng để "nhà nhà đầu tư, người người đầu tư".
"Luật DN từ khi ban hành năm 1999 đến nay đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung; trong Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đã nhiều lần gặp gỡ, lắng nghe DN nhưng vì sao khối kinh tế tư nhân vẫn chuyển động chậm? Qua 25 năm, số lượng DN tham gia thị trường đã tăng từ 25.000 lên gần 1 triệu, hộ kinh doanh từ 800.000 lên khoảng 4 triệu nhưng 99,3% DN vẫn là DN vừa và nhỏ, hơn 40% trong đó có doanh thu dưới 1 tỉ đồng/năm và chưa có 1 công ty hay tổ chức kinh tế nào có tính cạnh tranh tầm thế giới" - ông Chương nêu và mong muốn DN phải bỏ ý nghĩ xin nhà nước hỗ trợ, bởi khi có thái độ xin - cho thì DN sẽ bị ì, thụt lùi và vô hình trung tiếp tay cho tệ quan liêu hành chính. Thay vì xin hỗ trợ, DN nên cùng chung sức với chính quyền thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn.
TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng cả DN và nhà nước cần thay đổi tư duy, đừng hỗ trợ tràn lan làm đẻ ra cơ chế xin - cho mà phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN sáng tạo, làm ăn.
Cần có những tiêu chuẩn
Theo ông Nguyễn Cao Trí, trước khi trở thành TP thông minh, TP sáng tạo thì TP HCM phải là TP tiêu chuẩn với những tiêu chí rõ ràng về thủ tục hành chính, dịch vụ y tế, giải quyết các vấn đề ngập nước, kẹt xe, học hành… Cần có những tiêu chuẩn trước, sau đó mới thực hiện tiếp bước phát triển thông minh, sáng tạo. Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản đang vướng, trong giáo dục, y tế cũng ách tắc nên chính quyền cần mạnh dạn tháo gỡ cơ chế tương tự như hải quan tạo luồng xanh cho hàng hóa thông quan vậy. Nhà nước, chính quyền cần có tầm nhìn đột phá để tháo gỡ cơ chế, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Bình luận (0)