Ngày 28-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước...
Lo hệ lụy từ những yếu kém
Trình bày ý kiến, đại biểu (ĐB) Tạ Thị Yên (Điện Biên) đánh giá một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tuy đã được phát hiện, ngăn chặn nhưng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế; sự lo lắng của người dân, DN về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất, tiêu dùng, giá cả bất động sản.
"Nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế" - ĐB Tạ Thị Yên nói.
Theo ĐB Nguyễn Thành Trung (Yên Bái), nhiều DN khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, ngân hàng thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi. Những khó khăn này ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của DN. Khó khăn này càng lớn khi cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh.
ĐB Nguyễn Thành Trung kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỉ giá cùng các biện pháp hữu hiệu để vừa bảo đảm huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát. Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu DN.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị có những quyết sách quyết liệt để phục hồi niềm tin của thị trường Ảnh: PHẠM THẮNG
Nhấn mạnh DN đang thực sự khát vốn, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá việc khơi thông dòng vốn để phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những điểm nghẽn và là thách thức rất lớn đặt ra trong tình hình hiện nay. Với nguồn lực từ Nghị quyết 43 cùng với việc room tăng trưởng tín dụng ở mức 14% năm 2022, trong bối cảnh lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư đã rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào hơn, DN tiếp cận dễ hơn, các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn.
"Thực tế DN đang thực sự khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu DN đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau vụ việc của FLC và Tân Hoàng Minh" - ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nói. Theo ông, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững, các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao; cần hết sức tránh việc cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây các hệ lụy tiềm ẩn như nợ xấu, kéo lãi suất và tỉ giá tăng cao, tạo bất ổn cho nền kinh tế.
"Cùng với đó, cần sớm có giải pháp tập trung triển khai có hiệu quả các gói về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cần tiếp tục có giải pháp để đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%, giúp nguồn vốn từ chương trình này sớm phát huy hiệu quả trong việc giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế; sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu DN và thị trường chứng khoán" - ĐB Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.
Tiến tới ban hành luật về lương tối thiểu
ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng nhà ở cho công nhân (CN) còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng dù Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm.
ĐB Trần Văn Tuấn đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho CN bởi những quy định hiện hành tại Luật Nhà ở 2014 hay Nghị định số 100/2015/CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/CP còn nhiều quy định không hợp lý, bất cập.
Ông Trần Văn Tuấn cho rằng để thực hiện mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030 đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và CN ở KCN đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn và chắc chắn cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các DN mà các hộ gia đình, cá nhân có vai trò rất quan trọng.
Do vậy, theo ĐB Trần Văn Tuấn, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các hộ gia đình, các cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho CN thuê, góp phần đa dạng hóa nguồn cung.
Còn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), cần có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, CN, viên chức theo nguyên tắc tăng lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, lao động và chăm lo một phần cho gia đình.
Theo ông Nghĩa, mức sống tối thiểu ngày nay không như thời bao cấp. Vì vậy, trước mắt những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay từ ngày 1-1-2023; đồng thời đề nghị ưu tiên quan tâm đến 2 ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp, thu nhập thấp.
"Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật Về lương tối thiểu. Nếu không có biện pháp này thì việc vượt thu ngân sách 202.000 tỉ đồng hay tăng GDP bình quân đầu người từ 3.900 lên 4.075 USD cũng như các thành tích khác của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân" - ông Nghĩa nói.
Tổng nguồn xăng dầu không thiếu
Trước việc nhiều ĐB lo lắng về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tổng nguồn cung xăng dầu luôn không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, để thiếu hàng cục bộ ở hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam là điều "rất đáng tiếc và bất thường", bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung không xảy ra như vậy. Đặc biệt, đầu tháng 10, cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 DN đầu mối đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11.
Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng thì nguyên nhân chủ quan trong nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các DN kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, tỉ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, nên rủi ro rất cao. Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên DN càng làm càng lỗ.
"Trong cơ chế thị trường, không ai ngoài quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận quyết định được hành động của DN. DN đầu mối hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình, để làm ăn có lãi cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý và cửa hàng bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các DN đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu. Phối hợp các lực lượng chức năng, cơ quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với DN vi phạm nhiều lần.
"Đặc biệt, Bộ Công Thuơng cùng các bộ, ngành sẽ rà soát, cập nhật, phản ánh định mức chi phí, tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Chính phủ cần kiểm soát nợ tư nhân
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn, khoảng 140% GDP (khoảng 515 tỉ USD, tính theo quy mô GDP năm 2021), trong đó tỉ lệ không nhỏ là trái phiếu do các DN bất động sản phát hành. Nợ trái phiếu này tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán.
"Cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước, dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này" - vị ĐB TP HCM nói.
Bình luận (0)