Ngày 23-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế với chủ đề "Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững".
Nhìn lại kết quả của quá trình hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do như Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU... Đồng thời, mở rộng và nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam
Ở đầu cầu TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết trong giai đoạn 2016-2018, địa phương đã tiếp đón thành công hơn 300 đoàn khách quốc tế, lồng ghép triển khai các hoạt động hội nhập và phát triển kinh tế, hoạt động quảng bá, nâng cao vị thế Việt Nam nói chung và TP nói riêng. Theo ông Liêm, TP đã triển khai kế hoạch truyền thông đến bạn bè quốc tế, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin. Sắp tới, TP sẽ tập trung đổi mới cơ cấu, tập trung thu hút đầu tư ở những ngành có giá trị gia tăng cao, mở rộng quan hệ đối tác đối với những ngành chủ lực của địa phương. Đặc biệt, TP sẽ tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các vị đại sứ nước ngoài ở Việt Nam.
Đánh giá hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những dấu ấn tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam trong hành trình phát triển hơn nửa thập kỷ qua nhưng ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đó mới chỉ là một mặt của "tấm huy chương". Theo ông, chúng ta còn nhiều nuối tiếc khi chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) còn thiếu năng lực để hiện thực hóa tối đa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập mang lại để bứt phá.
"Tỉ trọng ngày càng thấp của các DN Việt trong kim ngạch xuất khẩu mấy năm qua cũng là một ví dụ cần suy ngẫm. Các DN FDI đã tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh so với DN nội. Đến nay cũng chưa có được sự liên kết đáng kể nào giữa DN nội với các DN FDI để cùng thắng và tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu" - ông Lộc nêu cụ thể.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã phát biểu tham luận, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Công đoàn Việt Nam đã mở rộng hợp tác với các tổ chức Công đoàn quốc tế. Tổ chức Công đoàn đã tham gia tích cực vào quá trình đóng góp ý kiến, đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Công đoàn Việt Nam, các tổ chức Công đoàn cơ sở đã tuyên truyền, quán triệt thực hiện, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệp định có hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của DN trong công tác hội nhập quốc tế. Đặc biệt, DN là chủ thể trung tâm của hội nhập, phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập.
Bình luận (0)