Ngày 8-1, Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) đối với thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018. Kết quả do VCCI công bố dựa trên khảo sát thực tế đối với hàng ngàn DN trên cả nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết cộng đồng DN đã có những đánh giá tích cực về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở các tiêu chí như: kiểm tra hồ sơ thông quan, tiếp cận thủ tục, nộp thuế. Tuy nhiên, mức độ cải cách chỉ mới ở mức trung bình, đạt khoảng 50%-60%, dư địa cho cải cách còn rất lớn. "Theo đánh giá của người dân, DN thì các chỉ số trong thủ tục xuất nhập khẩu qua biên giới phần lớn chỉ đạt điểm 5 hoặc 6, rất ít chỉ số đạt được 7, 8 hoặc 9 trên thang điểm 10. Thậm chí có những chỉ số chỉ đạt điểm 3, điểm 4. Như vậy so sánh trong khu vực ASEAN thì chúng ta đang ở mức trung bình" - ông Lộc nhấn mạnh.
Mặc dù đã có những chuyển biến nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền khi làm thủ tục thông quan
Là người trực tiếp tham gia vào cuộc khảo sát DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng cơ quan Hải quan cần nỗ lực nhiều hơn trong một số lĩnh vực như hoàn thuế và không thu thuế, kiểm tra sau thông quan vì DN cho rằng đây là khâu khó khăn vẫn còn rất lớn. "Một số khó khăn cụ thể DN thường gặp như các quy định về xuất nhập khẩu thay đổi quá nhanh khiến họ không kịp thích ứng. DN phải in, nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, sự hướng dẫn chưa đầy đủ hay sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan hải quan và cơ quan nhà nước khác. Vẫn còn một bộ phận DN phản ánh họ được yêu cầu nộp thêm giấy tờ ngoài quy định" - ông Tuấn cho hay.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết thêm nhiều DN than phiền về tình trạng kết quả phân tích phân loại hàng hóa gửi đến cho DN rất chậm. Theo đó, thời gian giám định hàng để xác định mã số HS mất khoảng 1-6 tháng, DN phải mất thời gian chờ đợi, cá biệt có trường hợp sau 2 năm vẫn chưa nhận được kết quả.
Phía VCCI cũng đã khảo sát tại các DN về việc có phải chi trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hay không. Kết quả cho thấy tỉ lệ DN phải chi tiền "bôi trơn" vẫn khá cao, với 18% trên tổng số 2.832 DN được khảo sát. Theo ông Đậu Anh Tuấn, có tới 28% DN dịch vụ logistics cho biết phải trả chi phí ngoài quy định. Có sự phân biệt đối xử đối với DN nếu không chi trả các chi phí ngoài quy định.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thừa nhận ở một số nơi, một số cán bộ, công chức chưa thực hiện nghiêm các quy định, vẫn để xảy ra "việc này việc kia".
Bình luận (0)