Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ cho tăng phí BOT để "cứu" nhà đầu tư dự án BOT giao thông, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khẳng định đây chưa phải là thời điểm thích hợp và không nên tăng phí trong giai đoạn hiện nay.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Bày tỏ về đề xuất này của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng việc đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm này là không phù hợp, vì các doanh nghiệp vận tải cũng đang rất khó khăn sau đại dịch Covid-19. Đến nay, các doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng lượng khách, hàng hóa cũng ít, tần suất chạy thấp. Do vậy, Bộ GTVT nên thận trọng trong việc đề xuất tăng phí một loạt trạm BOT vào thời điểm này.
Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), cho biết trong khi tần suất hoạt động vận tải, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến lưu thông hàng hóa đều bị ảnh hưởng thì phí BOT, bảo trì đường bộ đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Trong khi các loại thuế phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng vẫn giữ nguyên... thì mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của doanh nghiệp hiện đang rất cao. Nếu tăng phí BOT để cứu vãn nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp khác"- ông Hải nói.
Theo ông Hải, phí BOT đang là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí). Vì vậy trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và thời điểm điều chỉnh tăng là không phù hợp. Nếu cần thiết phải điều chỉnh để "cứu" nhà đầu tư thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa đi lại bình thường và kinh tế xã hội phục hồi.
Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ GTVT cho biết đang quản lý 61 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có 60 dự án hoàn thành đi vào khai thác. Trên cơ sở rà soát số liệu đến hết năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.
Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị 2 phương án. Trong đó, phương án 1: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Phương án 2: Giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022; Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.
Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)