Có từ triều vua Lê Kính Tông nhưng vẫn còn được hậu duệ của vị quan đại thần Nguyễn Văn Giai bảo quản khá nguyên vẹn.
Niềm tự hào của gia tộc
Chúng tôi tìm về xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào một ngày cuối năm, hỏi nhà ông Nguyễn Văn Tân (60 tuổi, ngụ thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - là tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn, người trực tiếp lưu giữ bảo quản đạo sắc độc đáo trên ai cũng nhiệt tình chỉ đường, kèm theo câu hỏi như trả lời "đi tìm hiểu đạo sắc à?".
Ông Nguyễn Văn Tân cẩn thận đem đạo sắc ra giới thiệu
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Tân cho hay từ khoảng năm 1993 đến nay gia đình bắt đầu được hội đồng gia tộc giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản đạo sắc vải lụa gấm này.
Sau khi cẩn thận đem đạo sắc từ trong một chiếc hộp gỗ ra ngoài sân đo đạc, kiểm tra chi tiết, ông Tân cho biết đạo sắc này có màu vàng nhạt, chiều dài 4,5m, rộng gần 50cm, không có hoa văn, chạm khắc, tổng số chữ là 318, bố cục theo 63 hàng cột dọc, 5 - 6 hàng ngang, được viết trực tiếp lên nền vải lụa gấm. Nét chữ viết mảnh, thẳng hàng, rõ nét và đẹp mắt, phần ghi niên hiệu do nằm ở cuối của khổ vải đã bị sổ nên chỉ còn lại 1/2 phần ấn dấu triện màu đỏ của nhà vua. Sắc có niên hiệu Hoằng Định, năm thứ 11 (1610), dưới triều vua Lê Kính Tông. Nội dung là phong công trạng, khen thưởng cho ông Nguyễn Văn Giai (sinh năm 1553, ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An - nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), một vị quan đại thần vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông). Ông Nguyễn Văn Giai là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, hiến nhiều mưu lược cho nhà vua để giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước.
Cũng theo vị Tộc trưởng này thì trước đây dòng họ Nguyễn Văn có 2 đạo sắc chất liệu bằng vải lụa gấm quý hiếm, tuy nhiên trải qua thời gian và do nhiều lý do khác nhau nên đến nay chỉ còn lưu giữ lại được 1 đạo sắc vải lụa gấm này.
Cần quan tâm triển khai phương án phục chế
"Có thể nói, đạo sắc là bảo vật vô giá của dòng họ nên rất ít người được trực tiếp chiêm ngưỡng nó, vì phải được sự cho phép của cả hội đồng gia tộc. Ngoài ra, hiện tại gia đình còn lưu giữ thêm 45 đạo sắc phong bằng chất liệu giấy dó có hoa văn, kích thước khác nhau từ thời Lê đến thời Nguyễn phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai", ông Tân tự hào cho hay.
Đạo sắc lụa gấm được xác nhận là dài và nhiều chữ nhất Việt Nam
Bên cạnh đó, cũng theo ông Tân, do các bảo vật đã trải qua hàng trăm năm, cách bảo quản lại thô sơ chủ yếu là cuộn kín giấy, vải rồi bỏ trong các ống nhựa cất giữ vào một chiếc hộp gỗ lim, khí hậu khắc nghiệt, nên nhiều đạo sắc đã bắt đầu bị mục, rách, nhàu nát. Do đó, gia đình cũng như dòng họ là mong được cơ quan chức năng sớm quan tâm triển khai phương án phục chế, in ấn, số hóa, phiên âm, dịch thuật để thuận lợi cho việc bảo tồn, giữ gìn đến mai sau.
Ông Bùi Trọng Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, cho hay việc gia đình ông Tân cũng như dòng họ Nguyễn Văn Giai còn lưu giữ, bảo tồn được đạo sắc trên là rất đáng quý. "Đây không chỉ là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Văn Giai, mà còn là vinh dự của xã cũng như huyện nhà. Đạo sắc lụa gấm là một báu vật rất quý giá, nên điều cần thiết lúc này là cần phải có phương án làm sao để bảo quản thật tốt, vì theo năm tháng hiện nay đạo sắc đã có dấu hiệu hư hỏng", ông Đỉnh nói.
Clip ông Tân đem đạo sắc ra giới thiệu
Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lộc Hà cho biết hiện phòng cũng như chính quyền địa phương đang tìm các giải pháp để bảo quản thật tốt đạo sắc lụa gấm này.
"Đây là một báu vật không chỉ của riêng dòng họ Nguyễn Văn, đạo sắc vải lụa gấm đang được lưu giữ tại nhà ông Tân dài 4,5m và nhiều chữ nhất ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, đạo sắc này đã tồn tại trên 400 năm, có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, không chỉ của dòng họ Nguyễn Văn mà còn là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc. Hiện, chúng tôi cũng đã có những đề xuất với Sở Văn hóa để có những chính sách hỗ trợ người bảo quản ở đây là ông Tân nhiều hơn, cũng như sớm có phương án để bảo quản thật tốt đạo sắc này", bà Loan nói.
Bình luận (0)