Tục lấy lửa đêm giao thừa đã được duy trì hằng trăm năm nay tại làng biển Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Những vị bô lão ở đây cũng không nhớ rõ tục rước lửa đêm giao thừa có từ bao giờ, chỉ biết từ thuở khai canh, ông cha họ đã đốt một đống lửa giữa làng để mọi người đến cung kính lấy về.
Tập tục độc đáo gần 400 năm
Đêm 4-2 (tức 30 Tết), người dân làng biển Cảnh Dương ai cũng chuẩn bị một bó củi tươm tất trước nhà. Đi đâu, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân sắp sẵn những cây khô tụm lại ngay chính diện ngôi nhà mình, người dân nơi đây còn gọi là gian bảy.
Người dân làng Cảnh Dương chuẩn bị củi để rước lửa về nhà mình
Trước sân đình làng, một đống củi lớn được dựng sẵn. Phía trong sân đình, các bậc bô lão của làng đến từ rất sớm, sau khi dâng hương, họ tề tựu một góc rồi cùng nhau uống trà, thưởng ngoạn và kể nhau nghe những giai thoại lập làng. Khuôn mặt ai nấy đều tươi vui, hãnh diện và háo hức chờ đón năm mới.
Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cảnh Dương, đầy tự hào mỗi khi kể về làng. "Làng Cảnh Dương tính từ thời "khai thiên lập địa" đến nay đã 376 năm, một ngôi làng cổ với bề dày truyền thống và nhiều lễ hội văn hóa mà không nơi nào có được. Ngoài những làn điệu hò khoan, hát ru, lễ hội cầu ngư… thì tập tục rước lửa đêm 30 Tết vẫn được gìn giữ hằng trăm năm nay" - ông Biểu nói.
21 giờ, nhiều người dân trong làng tụ về sân đình, càng về sau mỗi lúc một đông, sân đình kẹt cứng như mùa hội. Từ thanh niên đến cụ già đều có mặt tại đây để chuẩn bị cho lễ rước lửa.
Đống củi dựng sẵn trước sân đình, nơi mà người dân sẽ đến rước lửa từ đây
22 giờ, bầu không khí tại sân đình thực sự náo nhiệt, khuôn mặt ai cũng rạng ngời, háo hức chờ đón. Từ trong đình tổ, các bô lão trong làng làm lễ cúng thần linh để cầu may mắn, bình an cho năm mới. Thời khắc ấy, tất cả mọi người đều nghiêm trang thành kính hướng về tổ tiên, ông bà.
Sau khi khấn xong, khoảng 23 giờ, làng cử đại diện là một cụ già đức cao vọng trọng để thắp lửa, người thắp lửa này phải đạt được các yếu tố "kinh tế lưỡng vượng, phu thê thông toàn, con cái đủ cả trai cả gái". Vị này đại diện cho làng, cầm bó nhang châm vào lư trầm trước bàn thờ tổ. Nhang cháy, cụ già cầm ra sân đình, châm vào đống củi gộc vun sẵn trước sân.
Phóng viên Báo Người Lao Động trò chuyện với các bô lão trong làng Cảnh Dương
Đúng thời khắc giao thừa là thời điểm quan trọng nhất của lễ hội, ngọn lửa bốc cao, cháy ngùn ngụt soi tỏ mặt từng người. Lần lượt từng gia đình theo thứ tự tiến đến dùng cây đuốc chuẩn bị sẵn châm vào lấy lửa. Từ đây, từng người rước ngọn lửa thiêng này về nhà mình.
Cung kính rước ngọn lửa tâm linh
Người dân làng Cảnh Dương quan niệm, đây là ngọn lửa tâm linh, lửa này khi được rước về nhà sẽ dùng để thắp hương, nấu bánh, nấu nước trong đêm giao thừa, cầu cho một năm mới ấm áp, nhiều may mắn.
Chị Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi) cho biết lúc 5 giờ chiều ngày 30 Tết, gia đình chị đã chuẩn bị củi và đợi thời khắc rước lửa về để thắp sáng. "Rước lửa xong, em thắp lên bếp nấu bánh chưng, nấu nước uống cho ngày Tết…" - chị Hồng vui vẻ nói.
Sân đình làng Cảnh Dương thời khắc làm lễ xin rước lửa
Anh Phạm Ngọc Linh (42 tuổi) chia sẻ thêm: "Với những ngư dân làng biển chúng tôi, ngọn lửa luôn mang đến may mắn, sự ấm no, thuận lợi trong những chuyến biển. Đây cũng là phong tục đẹp, hướng về nguồn cội, nâng cao tinh thần đoàn kết mà người người dân làng biển chúng tôi luôn duy trì".
Còn ông Trương Đình Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cảnh Dương, cho hay tục lấy lửa đêm cuối năm tại địa phương này bắt nguồn từ những ngày lênh đênh đánh bắt trên biển. Giữa khơi xa các ngư dân rất khó giữ ngọn lửa, vì thế họ thường xuyên gọi bạn thuyền giữa sóng to, gió lớn để xin lửa.
Sau khi xin lửa, người dân sẽ rước về nhà thắp sáng
"Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa đem lại điều lành, no ấm. Tục lấy lửa chính là một tín ngưỡng tốt đẹp của bà con làng chài để kính nhớ tổ tiên, mang ánh sáng độ trì cho con cháu trong năm mới" – ông Châu nói.
Rước lửa thiêng từ đình làng về nhà đã trở thành tài sản tâm linh hết sức quý báu của người dân làng biển Cảnh Dương. Ngọn lửa này được gìn giữ suốt 3 ngày Tết. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của người dân ngôi làng biển có lịch sử hình thành gần 400 năm và là một trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình.
Bình luận (0)