Tại tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19" do UBND TP HCM tổ chức sáng 3-10 đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý cũng như đề xuất chính sách của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) để ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế dài hạn.
Cần chính sách "thời chiến"
Chủ trì tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho hay giữa làn sóng dịch bệnh, lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng dưới 1,2% và lần đầu tiên có trên 27.000 DN giải thể, tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỉ đồng. Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1.300 DN lữ hành bị sụt giảm số lượng hành khách, doanh thu; nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác.
Tuy nhiên, đến nay, hơn 6.000 DN hoạt động trở lại, 30.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỉ đồng… đã chứng minh sức sống mãnh liệt của DN TP. Do vậy, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, để phục hồi kinh tế TP, trước mắt, phải phục hồi hoạt động của DN bởi chính DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP gợi mở nhiều vấn đề để thảo luận như: các chính sách để TP ban hành hoặc kiến nghị trung ương ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ DN trong điều kiện bình thường mới; giải pháp phát triển kinh tế để không bị đứt gãy, bảo đảm việc làm cho người lao động nhằm đạt sự tăng trưởng cần thiết; giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của TP "trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ"…
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh do Trung tâm Báo chí TP HCM cung cấp)
Đại diện cộng đồng DN, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết trong cuộc khảo sát trên 100 DN vừa qua, HUBA ghi nhận 84% DN được hỏi cho biết đang trong tình trạng khó khăn. Đáng lưu ý, có đến 76% DN phản ánh họ chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ và hầu như không có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.
"Nhiều DN cho rằng việc triển khai hỗ trợ trong bối cảnh phải giãn cách xã hội như vừa qua chưa mang đúng tính chất "chính sách thời chiến"; chưa thấu hiểu, chưa sát với thực tế nhu cầu và hoàn cảnh của DN. Các gói hỗ trợ vẫn được triển khai với thủ tục và tinh thần trong điều kiện bình thường nên rất chậm, không phát huy được tác dụng" - ông Dũng thẳng thắn.
Chủ tịch HUBA kiến nghị chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất được kéo dài hơn nữa, đồng thời Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, DN. Đặc biệt, nới rộng điều kiện của hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định các phương án kinh doanh và dòng tiền khả thi thay vì cho vay thế chấp bởi không phải DN nào cũng có tài sản thế chấp…
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hiệp hội DN quận 1, đánh giá nội lực của DN TP rất lớn. Nếu như tháo gỡ được ách tắc lớn nhất là thủ tục hành chính thì dòng vốn chảy vào thị trường sẽ rất lớn. "Những ách tắc này thuộc thẩm quyền giải quyết của TP chứ không đâu xa. Có thể chọn ra 30 DN làm thí điểm thực hiện tháo gỡ thủ tục hành chính, sau đó triển khai ra cộng đồng DN TP" - ông Trí góp ý. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP, thì cho rằng cần thiết có lực đẩy của TP để chương trình chuyển đổi số đi vào triển khai mạnh mẽ từ chính quyền đến DN.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch đề xuất TP tháo gỡ đầu tư tư nhân để hấp thụ vốn, xây dựng chương trình phục hồi gắn với tái cơ cấu áp dụng trong năm 2021-2022 để giúp DN tái cơ cấu thị trường, chuyển đổi số. Từ đó, DN có thể phục hồi tăng trưởng không phải trên nền cũ mà trên cơ sở mới tốt hơn.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Ghi nhận các kiến nghị tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ xây dựng bộ phận nghiên cứu về việc tiếp cận gói hỗ trợ như thế nào để có báo cáo với Chính phủ. Bởi lẽ, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, số lượng DN chiếm gần 50% DN cả nước nên các ý kiến từ thực tế sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung 2 lĩnh vực chuyển đổi số và logistics vào chương trình kích cầu của TP. TP cũng vừa triển khai chương trình chuyển đổi số và đây là chương trình đầu tiên của một địa phương trong cả nước. "TP đã triển khai được 4 phần cơ bản, bao gồm Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm Điều hành chỉ huy, Trung tâm Dự báo mô phỏng phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị ra mắt Trung tâm Vận hành về an toàn an ninh thông tin. TP đang khẩn trương triển khai Đề án Xây dựng đô thị thông minh song hành cùng với chương trình chuyển đổi số, góp phần giữ vững thành quả trong công tác phòng chống dịch, cũng như góp phần hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế TP" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Với vấn đề được DN hết sức quan tâm là thủ tục hành chính, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là một bộ phận trong tổng thể thể chế. Nếu khơi dòng thể chế tốt sẽ tạo ra nguồn lực để phát triển. TP cũng đã giao HUBA xây dựng phần mềm lắng nghe ý kiến về sự phục vụ của các ngành đối với DN để phục vụ cho công tác điều hành của Thường trực UBND TP.
"Với những vướng mắc do sự phối hợp của các sở - ngành, TP sẽ chỉ đạo để cải thiện tốt hơn. Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đã có chuyển động nhưng chưa được như mong muốn. Còn những vướng mắc về pháp luật mà phải xin ý kiến cơ quan trung ương thì thường rất lâu. Có nhiều DN nói TP làm khó khăn. TP không bao giờ làm khó khăn mà TP chỉ đề nghị cùng hợp tác xử lý" - Chủ tịch UBND TP nói rõ. Ngoài ra, TP cũng chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn vốn nước ngoài. Đồng thời, không quên hỗ trợ DN của TP trong việc xây dựng thương hiệu bởi năng lực cạnh tranh bắt nguồn từ những thương hiệu, những DN có quy mô đầu tư lớn.
Gói hỗ trợ cần phải sớm đến tay DN
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá các gói hỗ trợ DN chưa bám theo thông tin diễn biến dịch bệnh, thủ tục hành chính rườm rà khiến cho việc tiếp cận hỗ trợ rất chậm. Ông cho rằng gói hỗ trợ lần 2 cần phải được triển khai nhanh, đúng mục tiêu, đúng trọng tâm để sớm hỗ trợ DN phục hồi. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng người lao động.
"Điều quan trọng bây giờ là tìm cơ hội cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, còn lãi suất có giảm nữa thì họ cũng không biết vay để làm gì" - ông Trần Hoàng Ngân góp ý.
Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA):
Chuyển đổi số để xúc tiến thương mại
Năm qua, HAWA có kế hoạch tổ chức 3 hội chợ tại TP HCM nhưng đều phải đóng cửa do dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xúc tiến thương mại. Trước tình hình đó, chúng tôi có sáng kiến chuyển đổi số để xúc tiến thương mại thông qua việc lập ra nền tảng showroom trực tuyến thu hút khoảng 100 DN tham gia với khoảng 5.000 sản phẩm. Sang năm 2021, dự kiến HAWA phối hợp với Sở Công Thương TP tổ chức một hội chợ vào tháng 3 với hơn 400 DN và 20.000 m2 trưng bày. Tuy nhiên, kỳ vọng khách hàng quốc tế đến hội chợ không khả quan. Bởi vậy, chúng tôi cũng có kế hoạch số hóa toàn bộ 20.000 m2 trưng bày.
Những sáng kiến này của chúng tôi nhận được sự ủng hộ của Sở Công Thương, HUBA, các cơ quan xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, các thương vụ... Tôi cho rằng TP nên ủng hộ các sáng kiến số hóa để thúc đẩy xúc tiến thương mại trong tất cả lĩnh vực.
TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Đại học Fulbright:
Giữ cho được lực lượng DN
TP nếu giữ được tăng trưởng dương đã là thành công, không nên coi là mục tiêu chính bởi đây là vấn đề ngắn hạn. Tôi cho rằng về dài hạn, chính quyền TP phải đồng hành với DN, người dân; giữ cho được lực lượng DN để tạo nội lực, nền tảng phục vụ quá trình phục hồi kinh tế; bảo vệ phúc lợi của DN và người dân. Đồng thời, có các chính sách nhắm đúng mục tiêu, đối tượng. Mặt khác, TP cần thực hiện mục tiêu "kép" là duy trì các hoạt động kinh tế bình thường bên cạnh phòng chống dịch nghiêm túc; cũng như có tầm nhìn về trung và dài hạn để tạo ra thế và lực trong 10-20 năm tới. Đồng thời, cộng đồng DN mong muốn TP đề xuất trung ương kéo dài thời gian giảm thuế GTGT có thời hạn và gia hạn các loại thuế khác đã có chính sách; nhà nước có quỹ bảo lãnh tín dụng...
Bình luận (0)