xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dốc toàn lực chống bão dữ

Văn Duẩn

Bão số 16 (Tembin) ở cấp thảm họa, có thể gây thiệt hại rất lớn nếu chủ quan, sơ suất

Chiều 24-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 16 (bão Tembin). Cùng dự và chủ trì có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, các bộ - ngành và lãnh đạo 19 tỉnh - thành phố khu vực Nam Bộ ở các điểm cầu trực tuyến.

Dân chủ quan, không tin bão vào

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết đến 15 giờ ngày 24-12, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức cấm biển. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 69.120 phương tiện/343.163 người dân diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Về công tác sơ tán dân, 4 tỉnh - thành phố đã có báo cáo, di dời được 13.564 người/853.604 người thuộc 9 địa phương có kế hoạch di dời (Bình Dương 1.638/3.998 người, đạt 24%; TP HCM 4.926/4.926 người, đạt 100%; Bạc Liêu 7.000/350.634 người, chỉ 2%). Các tỉnh khác đang tổng hợp, chưa có số liệu báo cáo.

Theo đánh giá, bão số 16 là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), di chuyển rất nhanh, khả năng đổ bộ vào vùng ít xảy ra bão, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển nhiều.

"Bão Tembin đổ bộ Philippines ngày 23-12, theo thông tin ban đầu thiệt hại gây ra rất lớn với gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích" - ông Hoài lo ngại. Ông Hoài cho biết trên đất liền - nơi dự kiến bão đổ bộ, với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, vùng có nhiều nhà dân ở ven sông, ven biển, trên các cù lao không có khả năng chống chịu với bão, thiếu nơi khu trú; người dân ít có kinh nghiệm ứng phó, thậm chí một số nơi còn có tư tưởng chủ quan.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết dự báo đến 16 giờ chiều nay (25-12), bão số 16 ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14, sóng biển cao 8-10 m. Khoảng tối và đêm cùng ngày, bão sẽ vào đất liền với tốc độ di chuyển nhanh (20-25 km/giờ), sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.

Dốc toàn lực chống bão dữ - Ảnh 1.

Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đưa tàu, thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bãoẢnh: NGỌC GIANG

"Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, rủi ro thiên tai cấp độ 4. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9" - ông Cường thông tin.

Ông Cường nhấn mạnh đây là cơn bão rất đặc biệt, trong lịch sử chưa từng có cơn bão nào hoạt động có cấp độ mạnh như vậy nên việc ứng phó phải ở cấp độ rất đặc biệt để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng chống bão. Trước mắt, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 17.000 hộ nghèo mua dây chằng chống nhà cửa.

Về di dời dân, ông Hải cho biết toàn tỉnh có tổng số 98.535 người thuộc diện phải di dời. Tỉnh đã di dời người già, trẻ em, số còn lại tiếp tục thực hiện vào ngày 25-12. Ông Hải cho biết dù tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng rất đáng lo khi người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ trước bão số 16. Nhiều người vẫn chưa tin bão sẽ vào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tỉnh Cà Mau có nhiều biện pháp chủ động - cả bí thư, chủ tịch UBND tỉnh cùng dự họp. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng gay gắt phê bình các tỉnh dự kiến là trung tâm vùng bão nhưng quá coi thường, chỉ cử phó chủ tịch dự họp.

Dừng các cuộc họp không cần thiết để chống bão

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho biết ngay trong tối 24-12, đã có một đoàn công tác đi vào vùng bão dự kiến đổ bộ. Ngay sáng nay (25-12), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng có mặt để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão.

Nhấn mạnh bão số 16 nằm trong cấp thảm họa, có thể gây thiệt hại rất lớn, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão không được chủ quan, sơ suất trong chỉ đạo ứng phó.

Tất cả các địa phương theo dõi sát thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến người dân. Hệ thống truyền hình, báo chí và các phương tiện khác phải thông tin đến tận người dân về nguy cơ của bão số 16. Yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương theo dõi sát diễn biến cơn bão, với tất cả khả năng, kịp thời thông báo tình hình đến các cấp ngành, địa phương, nhân dân.

"Các địa phương cần có biện pháp di dời dân đến nơi an toàn, cần thiết thì phải cưỡng chế di dời. Huy động các lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại khi có bão" - Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn cho các giàn khoan, các tàu biển khi đi qua vùng bão. Cần thiết thì đóng giàn khoan để bảo đảm an toàn cho công nhân và công trình. Các quân khu, các địa phương phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu nhân dân.

"Các địa phương dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão" - Thủ tướng chỉ đạo. Thủ tướng lưu ý các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, căn cứ trên tình hình thực tế xem xét cho học sinh nghỉ học. Đồng thời, đôn đốc đến từng gia đình cùng thực hiện các biện pháp phòng chống để giảm thiểu thiệt hại.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án khắc phục ngay sau bão, đặc biệt không để thiếu đói, bệnh tật. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin đến các thuê bao cảnh báo về cơn bão này.

Ứng phó mức cao nhất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành phải vào cuộc với tinh thần và trách nhiệm trong chỉ đạo, ứng phó bão cao nhất.

"Nếu bão suy yếu, đó là điều may mắn và cũng là dịp thực hành cần thiết để chống chọi với thiên tai, lũ lụt. Cơn bão Linda năm 1997 gây thiệt hại đến 3.000 người chết và bị thương là bài học đau xót. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, coi thường để ảnh hưởng đến tính mạng nhân dân. Các tàu khi vào bờ thì ngư dân phải lên bờ, còn tàu giao lại cho các lực lượng quản lý. Những hộ dân, những tàu không thực hiện mệnh lệnh di dời, phải thực hiện các biện pháp mạnh cưỡng chế" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo